“Một vết nứt dài hơn 40 m, rộng 20-60 cm, cách mép sông 1-6 m vừa xuất hiện ở thượng lưu sông Rạch Tôm, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Đây là vết nứt đặc biệt nguy hiểm, báo động nguy cơ sạt lở trong những ngày tới là rất cao”. chiều 31-5, ông Phan Thành Công, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa (Khu quản lý, thuộc Sở GTVT TP.HCM), thông báo khẩn như trên.
Sẽ sụp nhà dân, đổ trụ điện
Ngay trong chiều 31-5, Khu quản lý có báo cáo khẩn về vết nứt và nguy cơ sạt lở bờ sông Rạch Tôm. Theo đó, kèm theo vết nứt trên đã xuất hiện một số vết nứt trên tường rào một số nhà dân trong khu vực. Mặt đất phía ngoài bờ sông đã bị lún xuống so với nhà dân khoảng 3-5 cm và đang có hiện tượng tiếp tục lún, trượt ngã ra phía lòng sông, trong khi đó bờ sông chưa được gia cố bảo vệ. “Nếu sạt lở xảy ra thì trụ điện hai bờ sông sẽ đổ và một số nhà dân trong khu vực sẽ đổ nhào xuống sông!” - ông Công nhận định.
Hiện nay, trong khu vực bị ảnh hưởng khoảng 500-600 m2 có bảy, tám căn nhà xây tường gạch, mái lợp ngói hoặc tôn; toàn bộ phần đường bê tông nhựa từ trước nhà số 1740/33 đến cuối hẻm (40 x 3 m); hai trụ điện bê tông cốt thép và hệ thống ống cấp nước dân sinh đặt ngầm dưới lòng đường. Ngoài ra còn có một cầu dân sinh bằng bê tông cốt thép phía cuối hẻm cũng có nguy cơ sập đổ.
Vết nứt trên mặt đường dọc sông Rạch Tôm, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè đang ngày càng dài ra đến 200 m. Ảnh: L.ĐỨC
Cầu Rạch Tôm trên đường Lê Văn Lương nằm trong vùng ảnh hưởng của vết nứt cũng có nguy cơ sập đổ. Ảnh: L.ĐỨC
Khẩn cấp di dời dân
“UBND xã Nhơn Đức, UBND huyện Nhà Bè chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện ngay việc vận động di dời tài sản và bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở” - tại bản báo cáo khẩn, Khu quản lý đưa ra kiến nghị. Cạnh đó, xã và huyện cho rào chắn ngay toàn bộ khu vực để cảnh báo người và phương tiện không qua lại.
Khu quản lý cũng kiến nghị Sở GTVT TP chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện ngay việc kiểm tra thực tế hiện trạng khu vực để đánh giá tổng thể nguy cơ xảy ra sạt lở. “Ngay trong ngày 1-6, Khu quản lý sẽ cùng các đơn vị chức năng đo độ sâu lòng sông ở gần điểm có vết nứt để xác định độ sâu, chiều dài và mức ăn sâu vào bờ của hàm ếch ở khu vực dưới vết nứt” - ông Công cho biết.
Ngay trong chiều 31-5, Khu quản lý đã cho dời biển báo khu vực nguy hiểm ra xa điểm sạt lở. “Phạm vi ảnh hưởng của vết nứt không còn nằm ở gần điểm có vết nứt vừa xuất hiện mà đang lan rộng ra cả tuyến sông dài hơn 200 m nên rất cần phải dời biển cảnh báo ra xa” - ông Công nói.
TP.HCM có 47 điểm nguy cơ sạt lở Theo Khu quản lý, đến nay TP có 47 vị trí có nguy cơ sạt lở, tăng năm vị trí so với trước tháng 8-2016. Trong đó có 25 vị trí sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 20 vị trí sạt lở ở mức độ nguy hiểm… Trong đó, huyện Nhà Bè và Cần Giờ có số điểm sạt lở và điểm đặc biệt nguy hiểm cao nhất. Nguyên nhân do hai huyện này có nhiều tuyến sông rạch lớn, nước chảy xiết và tàu thuyền qua lại nhiều nên các điểm sạt lở, điểm đặc biệt nguy hiểm cũng xuất hiện nhiều. Khu Quản lý đường thủy nội địa đề nghị Sở GTVT TP.HCM chấp thuận chủ trương nghiên cứu, lập phương án đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ, chống sạt lở không chỉ ở điểm vừa xuất hiện vết nứt mà cả ở tuyến sông gần cầu Rạch Tôm, ở cả hai bên bờ. |