Ngày 28-2, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2, nhiệm vụ tháng 3-2025, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đã thông tin về tiến độ các công trình trọng điểm.
Nỗ lực hoàn thành các tuyến vành đai, cao tốc
Ông Trần Quang Lâm cho biết chỉ tính riêng 3 Ban Giao thông, Đường sắt đô thị và Hạ tầng thì tổng vốn được giao là 36.000 tỉ đồng, chiếm 43% tổng vốn đầu tư công.
Năm 2025, ngành giao thông tập trung hoàn thành, khởi công 30 công trình, gói thầu và đều là những công trình lớn, chiến lược. Trong đó có Vành đai 2, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu đường Nguyễn Khoái, các tuyến nối cao tốc...
“Trong danh mục 42 dự án trọng điểm thì ngành giao thông chiếm 28 dự án”– ông Lâm cho biết.

Về nhóm đường sắt đô thị, ông Lâm cho biết metro số 2 gặp thuận lợi về mặt bằng, hiện dự án đã được duyệt và đang làm khâu thiết kế.
Về nhóm tuyến đường vành đai và cao tốc, phấn đấu cuối năm sẽ hoàn thành một đoạn của Vành đai 3 (khu vực TP Thủ Đức) để kết nối về Đồng Nai và giữa năm 2026 cơ bản hoàn thành toàn tuyến Vành đai 3.
Đối với Vành đai 2 hiện còn 3 đoạn, hai đoạn ở Thủ Đức đang được bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, phấn đấu khởi công trong quý III-2025. Ông Lâm cho biết dự án này đăng ký khởi công trước 30-4 nhưng phải dời sang đến quý III.
Vành đai 4 đã trình chủ trương đầu tư và hiện Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định, phấn đấu trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới.
Còn cao tốc TP.HCM - Mộc Bài phấn đấu là khởi công trước ngày 2-9; cao tốc TP.HCM – Chơn Thành - Thủ Dầu Một phấn đấu khởi công vào cuối năm nay.
Riêng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện Bộ GTVT đang lập chủ trương đầu tư theo hình thức BOT.
“Như vậy, đối với các tuyến Vành đai 2, 3, 4, các tuyến cao tốc, chúng ta đã có kế hoạch và đang từng bước xây dựng, chuẩn bị đầu tư rất nỗ lực”– ông Lâm khẳng định.

Đối với 4 tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT mà HĐND TP.HCM vừa thông qua (Quốc lộ 1, 13, 22 và trục Bắc – Nam), ông Trần Quang Lâm thông tin sẽ khởi công ít nhất trục Bắc – Nam vì đã có mặt bằng khoảng 90%.
Đặc biệt, cuối năm 2025 cũng hoàn thành nút giao An Phú và năm 2026 hoàn thành nút giao Mỹ Thủy.
Cũng theo ông Lâm, tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn được đảm bảo tiến độ hoàn thành dịp 30-4 để đưa vào khai thác cùng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Nói sâu hơn về nhóm đường sắt đô thị, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 188 với những cơ chế, chính sách đặc thù, mạnh và chưa có tiền lệ.
Ông Lâm cho biết trước đây các dự án trên 30.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Quốc hội nhưng nay đã được Quốc hội tin tưởng, giao hết thẩm quyền cho UBND TP.HCM. TP cũng được áp dụng tất cả hình thức chỉ định thầu.
"Không cần ngồi chờ vì đã có cơ chế hết rồi"
Cũng tại phiên họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm nêu kiến nghị khi việc thẩm định chủ trương đầu tư công đang phải tạm dừng và chờ nghị định, dù đã có Luật Đầu tư công (sửa đổi). “Nếu chờ nghị định ban hành thì có trễ không?”– ông Lâm đặt vấn đề.
Ông Lâm cũng kiến nghị việc bố trí vốn không đồng bộ và rất chậm. Theo ông Lâm, có tình trạng một loạt dự án đã thông qua chủ trương hoặc đã giao nhiệm vụ nhưng không giao vốn nên phải ngồi chờ, chưa thể làm được. Ông dẫn chứng đường Thái Văn Lung được phê duyệt chủ trương từ năm 2024 nhưng đến nay chưa được bố trí vốn.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đề nghị khẩn trương rà soát, sắp xếp bộ máy các ban. Riêng Ban Đường sắt đô thị trung bình mỗi năm được giao vốn 4 tỉ USD nhưng với số lượng nhân sự hiện nay thì không thể đáp ứng được.
“Năm nay, Ban Đường sắt đô thị phải rà soát bộ máy, dự trù vốn, chuẩn bị tiêu chí chọn nhà thầu, tư vấn, không cần ngồi chờ vì đã có cơ chế hết rồi”– ông Lâm nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng thông tin nhiều dự án bị trễ tiến độ. Ông đề nghị Sở KH&ĐT xem lại khâu bố trí vốn. “Thông qua chủ trương đầu tư rồi nhưng chưa bố trí kịp vốn để chuẩn bị đầu tư thì phải xử lý thế nào?”– ông nói và đề nghị xem xét lại vấn đề đấu thầu.
Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường nêu có tình trạng công trình đã được duyệt dự án đầu tư nhưng rất sốt ruột khi chưa có kế hoạch đấu thầu. Nhiều công trình đến tận vài tháng sau mới trình được kế hoạch đấu thầu.
Ông Cường đề nghị phải trình trước kế hoạch đấu thầu cho đơn vị tư vấn làm trước; các gói thầu xây lắp sẽ trình sau để rút ngắn thời gian.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn chứng cầu đường Nguyễn Khoái đã được điều chỉnh dự án đầu tư từ tháng 10-2024 nhưng cách đây mấy hôm mới trình UBND TP kế hoạch đấu thầu. Hay ngã tư Đình ở Quốc lộ 1 cũng đã phải chờ 5-6 tháng nay...

Chủ tịch Nguyễn Văn Được: Tháo gỡ các điểm nghẽn để TP.HCM tăng trưởng 2 con số
(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh phải tháo gỡ các điểm nghẽn như "cục máu đông" của nền kinh tế TP, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đưa các dự án đi vào vận hành...