Khu vực ven Sông Hồng gần cầu Chương Dương bị lấn chiếm, san lấp để làm bãi đỗ xe tải
Văn bản trên chỉ rõ, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi tại Hà Nội còn tồn đọng nhiều, vi phạm mới tiếp tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Mặc dù có quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều nhưng kết quả xử lý rất thấp. Đặc biệt những vụ việc vi phạm mới phát sinh sau khi có quy chế cũng chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm.
“Có nhiều nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chính là do công tác quản lý còn yếu kém, chưa phối hợp tốt, mạnh tay để ngăn ngừa và xử lý vi phạm. Nhiều cơ quan, đặc biệt là UBND các phường, xã, thị trấn còn có lúc làm ngơ, ngại va chạm, không quyết liệt kịp thời xử lý vi phạm từ khi mới phát sinh”, ông Việt nhận định trong văn bản chỉ đạo.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, Hà Nội xảy ra 1690 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã có 204 vụ. Tình hình vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi càng nghiêm trọng hơn khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 có tới hơn 1,5 vạn vụ vi phạm, mới xử lý được 1660 vụ, còn tồn tại 1,36 vạn vụ.
Trước tình trạng trên, ông Việt yêu cầu UBND các quận, huyện, thị phải phối hợp chặt chẽ với các Hạt quản lý đê, các công ty thủy lợi để tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi. Sở NNPTNT phải tập trung xử lý về đề điều, công trình thủy lợi, điểm thoát lũ; Sở TNMT xử lý vi phạm về đất đai liên quan đến đê điều, công trình thủy lợi đặc biệt là các bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng hai bên sông, các điểm xả thải không qua xử lý vào công trình thủy lợi; Công an thành phố phải tập trung xử lý, ngăn chặn xe quá tải trên các tuyến đê, kiểm tra, xử lý hoạt động hút cát trái phép trên các tuyến sông…