Vì sao cần đường dây nóng cho “cò du lịch” ở Đà Lạt?

Thực trạng này xảy ra đã lâu, đến nỗi cụm từ “cò du lịch” đã xuất hiện trong văn bản chỉ đạo chấn chỉnh của UBND tỉnh Lâm Đồng. Chính quyền cần có giải pháp quyết liệt hơn.

Khách du lịch chọn lựa mua đặc sản Đà Lạt tại một cửa lò mứt. Ảnh: CAO DIÊN

Tháng 5 vừa rồi, tôi cùng vài người bạn đi Đà Lạt chơi. Lúc dạo trong khu vực Thung Lũng Tình Yêu ra đến cổng để trở về trung tâm TP, một thanh niên chạy xe máy tà tà áp sát chúng tôi gợi ý: “Mấy anh chị ơi, vào vườn tham quan hái dâu tây không?! Dâu tây tự hái tại vườn giá chỉ 30.000 đồng/kg thôi!”. Nói rồi, người thanh niên đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc card visit ghi số điện thoại, địa chỉ vườn dâu. Cả hội chúng tôi đồng ý theo chân người thanh niên đi... hái dâu.

Đi được một lát, người thanh niên dẫn chúng tôi dừng lại tại một cửa hàng bán nước ép, bánh mứt cùng các sản phẩm chế biến từ trái dâu tây. Tôi thắc mắc là sao bảo đi hái dâu mà lại dẫn vào đây thì anh ta trả lời: “Bọn em làm tiếp thị cho vườn dâu, vì vậy trước khi đi hái dâu các anh chị mua ủng hộ mỗi người một ít sản phẩm làm quà, coi như là lệ phí để em dẫn ra vườn!”. Mặc dù không được vui cho lắm nhưng thành viên trong đoàn chúng tôi người nào cũng mua mỗi người một vài loại sản phẩm.

Lát sau, anh ta chạy xe dẫn chúng tôi tới một vườn dâu không tên thuộc địa bàn phường 7, TP Đà Lạt. Trông thấy vườn dâu tây sai trĩu quả, quả nào cũng chín mọng đỏ tươi chúng tôi ai nấy đều vô cùng thích thú, chỉ muốn dựng xe để nhanh chóng sà xuống những luống dâu để hái trái và chụp ảnh. Thả chúng tôi tại vườn dâu, anh ta đã nhanh chân quay đầu xe trở về. Chúng tôi chưa kịp vào thì chủ vườn xuất hiện và thông báo “nội quy” vào vườn dâu là: “Mỗi người tham quan chụp ảnh vườn dâu phải trả 50.000 đồng, còn nếu hái dâu thì giá dâu hái được phải mua lại là 160.000 đồng/kg”.

Nghe chủ vườn thông báo vậy, tôi và các bạn thấy choáng. Cả hội quyết không hái dâu nữa mà mang nỗi ấm ức quay về.

Qua thực trạng cò tiếp thị lừa gạt du khách tham quan, hái dâu tại vườn tồn tại từ lâu như trên, cùng với vụ việc nhân viên cửa hàng bánh mứt - vườn dâu đánh khách vừa xảy ra, rất mong chính quyền, các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt chấn chỉnh loại hình dịch vụ tham quan vườn dâu và hái dâu tại vườn lừa gạt khách. Cách chấn chỉnh đơn giản nhất cho nạn “cò du lịch” là cần có một đường dây nóng để khách gọi về mỗi khi bị cò lừa, khách sẽ báo số điện thoại di động, cơ sở lò mứt, vườn dâu nào đã lừa đảo để lực lượng chức năng đến giải quyết ngay, xử phạt nghiêm. Nếu vi phạm nhiều lần thì cương quyết rút giấy phép kinh doanh.

Đừng để Đà Lạt trở thành nơi lắc đầu ngao ngán cho mỗi người khi muốn chọn điểm đến du lịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới