Luật Chăn nuôi 2018 quy định mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi không được đánh đập, hành hạ vật nuôi. Khi giết mổ vật nuôi phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến cảnh đồng loại bị giết.
Đây là nội dung mới đáng chú ý được quy định tại Luật Chăn nuôi 2018 vừa được Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố. Luật bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ 1-1-2020.
Không để vật nuôi chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Chăn nuôi 2018 là quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Điều 69 của luật này quy định: Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi yêu cầu phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Tại Điều 70, luật quy định tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi…
Ngoài ra, trong Điều 71, luật cũng yêu cầu các cơ sở giết mổ vật nuôi phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi, không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ… Nếu sử dụng vật nuôi trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác cũng phải đối xử nhân đạo tương tự.
Các bạn sinh viên đang tham quan một trang trại nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Thế giới buộc ta phải đối xử nhân đạo với vật nuôi
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Những nội dung trong luật này không phải là vấn đề mới. Nó thể hiện tính nhân văn của người Việt. Đây cũng là điều kiện để hội nhập, trao đổi sản phẩm chăn nuôi với thế giới, vì một số nước phát triển coi đây là một trong những điều kiện để trao đổi với nhau. Nếu như chỉ có năng suất cao, giá thành hạ, chất lượng tốt mà không đối xử nhân đạo với vật nuôi thì người ta cũng từ chối sản phẩm đó”.
Ông Dương dẫn chứng nhiều nước phát triển trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Úc… đã đưa vào luật những quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi để đảm bảo con vật được đối xử tốt nhất. Nếu phát hiện quốc gia nào còn tồn tại những hành vi đối xử không nhân đạo với vật nuôi như đập bò, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, cho con vật chứng kiến đồng loại của nó bị giết mổ… thì họ sẽ từ chối cung cấp thịt cho các nước đó. Nước Úc đã từ chối cung cấp bò thịt sang các nước không có quy trình giết mổ nhân đạo với vật nuôi.
Hoặc nếu phát hiện những người thực hiện nghiên cứu khoa học về vật nuôi mà nhốt vật nuôi trong điều kiện chật chội, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu thì người ta sẽ từ chối đề tài khoa học đó.
Chia sẻ về thực trạng chăn nuôi và giết mổ vật nuôi ở nước ta, ông Dương cho rằng về cơ bản, việc giết mổ vật nuôi của chúng ta chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về đối xử nhân đạo với vật nuôi. Tình trạng bơm nước, dùng búa đập chết vật nuôi, hay vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ vẫn còn diễn ra.
“Chúng ta thiếu biện pháp về gây chết, như các nước có những biện pháp gây ngạt tức thì, dùng điện làm giật tức thì để vật nuôi chết mà không bị đau đớn, từ đó không ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Hiện tại có rất nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung đã làm được điều này, ví dụ như cơ sở giết mổ tập trung Masan, Biển Đông, Dabaco… Trong tương lai, những cơ sở giết mổ công nghiệp như vậy cần được nhân rộng thêm”.
Vậy làm sao để kiểm soát, chế tài được những hành vi đối xử không nhân đạo với vật nuôi? Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay sẽ có nghị định chế tài xử phạt các vi phạm mà luật đã chỉ tên.
“Trước đây chúng ta chưa có luật nên việc đối xử nhân đạo với vật nuôi chỉ như một đức tin. giờ chúng ta luật hóa rồi thì sẽ có chế tài, đưa vào nghị định xử phạt. Tổ chức, cá nhân nào không đối xử nhân đạo với vật nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Việc xử phạt như thế nào thì luật vẫn còn đang xây dựng, sẽ nghiên cứu và đưa vào sau. Việc trước mắt bây giờ là chúng ta phải tuyên truyền cho người chăn nuôi và cán bộ quản lý, phải tạo mọi điều kiện để người chăn nuôi đáp ứng được, tạo dựng được cho vật nuôi một môi trường sinh trưởng tốt nhất. Đây là cả một quá trình. Luật là một sự định hướng để chúng ta phải đáp ứng được” - ông Dương cho biết.
Con vật chết trong đau đớn sẽ tiết ra độc tố Trong chăn nuôi, nếu vật nuôi được nuôi trong điều kiện tốt nhất thì con người cũng nhận được thứ thực phẩm từ vật nuôi này cung cấp cho họ chất lượng nhất, ngon nhất. Bởi về mặt khoa học, nếu con vật chết trong đau đớn thì nó sẽ tiết ra nhiều độc tố trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe người tiêu thụ nó. Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT |