Vì sao giá xăng tăng mạnh, có cửa hàng vẫn đóng cửa?

Sau khi giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng mạnh ngày 11-2, nhiều chuyên gia dự báo hoạt động kinh doanh xăng dầu trên thị trường cả nước sẽ ổn định lại. Tuy nhiên, khảo sát của PV ngày 14-2 tại TP.HCM cho thấy vẫn có một cửa hàng quận Tân Bình treo bảng hết xăng, hết dầu.

Liên quan đến trường hợp trên, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tại thời điểm kiểm tra cửa hàng đang đóng cửa, thông báo hết xăng, dầu.

Thông tin từ đơn vị này giải thích do doanh nghiệp đầu mối không cung cấp đủ hàng để bán, dẫn đến hết dầu từ ngày 13-2, còn mặt hàng xăng hết từ 9 giờ sáng hôm nay (14-2).

"Qua buổi làm việc với Sở, đơn vị này cho biết tối nay sẽ có hàng nhập về", đại diện Sở Công thương TP.HCM cho hay.

Cửa hàng thông báo hết xăng, hết dầu. Ảnh chụp sáng ngày 14-2: TÚ UYÊN

Theo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn ở TP.HCM, nguồn cung xăng dầu hiện nay không thiếu nhưng thị trường vẫn còn tình trạng một số cửa hàng ngừng bán là do giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, chiết khấu thấp nên cửa hàng xăng dầu càng bán sẽ càng lỗ.

Vị này tính toán, giá xăng cơ sở hiện tại 25.332 đồng/lít. Như vậy, tếu tính theo giá thành phẩm xăng dầu được giao dịch thực tế trên thị trường Singapore ngày 11-2 và cộng tất cả các thuế phí theo quy định, một lít xăng nhập về các doanh nghiệp đầu mối lỗ 830 đồng/lít, dầu 520 đồng/lít.  

Song song đó, để bù lỗ từ đầu tháng 2 đến nay doanh nghiệp đầu mối phải giảm chiết khấu nên thù lao cho các cửa hàng bán lẻ hiện còn 0 đồng đến 100 đồng/lít tùy công ty.

Chưa kể, chi phí vận chuyển cửa hàng đã lỗ thêm vài trăm đồng, nếu cộng thêm các chi phí khác, tùy cửa hàng tư nhân, đại lý lớn người bán lẻ lỗ 700-800 đồng/lít.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu thế giới xu hướng ngày càng tăng cao. Vì vậy các doanh nghiệp đầu mối, cửa hàng bán lẻ hy vọng kỳ điều hành tới giá sẽ tăng nên bán ra nhỏ giọt để có lời hơn.

"Theo Nghị định 95/1021, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày còn 10 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, 11, 21. Trong chu kỳ này, doanh nghiệp đầu mối nào đã nhập xăng dầu với giá thấp hơn giá bình quân tại thời điểm điều chỉnh họ sẽ đưa ra thị trường nhỏ giọt, chờ nhà nước điều hành giá tăng, bán ra nhiều mới có lời.

Tương tự đối với trường hợp doanh nghiệp đã nhập với giá cao hơn so với giá bình quân tại thời điểm điều chỉnh, họ cũng chờ chu kỳ sau nhà nước điều hành tăng giá, tung ra thị trường mới đảm bảo được lợi nhuận”, vị này dự đoán.  

Cũng theo vị này, trước đây thị trường chỉ khoảng ba bốn doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn và là doanh nghiệp nhà nước nên dù lời, lỗ đều nhập hàng, đảm bảo đầy đủ cho các đơn vị trực thuộc, có hợp đồng, mua thường xuyên.

Đến nay thị trường có 36 đầu mối dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt, nhất là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân có nhiều chính sách ưu đãi như chấp nhận nợ, chiết khẩu tốt…để thu hút nhiều cửa hàng bán lẻ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhằm đảm bảo lợi nhuận các đầu mối tư nhân có lẻ đang chờ giá thế giới hạ nhiệt sẽ cung ứng ổn định.

Vì vậy, các cửa hàng xăng dầu muốn quay lại mua hàng từ các đầu mối lớn cũng khó khăn vì họ phải thanh lý hợp đồng cũ, phải trả hết nợ… Ngoài ra các đầu mối lớn phải tuân thủ Nghị định 83, Nghị định 95 không được mua bán phân phối xăng dầu ngoài hệ thống…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới