Vì sao không bổ nhiệm tiến sĩ làm giám đốc BV?

“Dù không ưu tiên tiến sĩ nhưng nếu cán bộ được quy hoạch làm lãnh đạo bệnh viện (BV) hạng 1, 2 đang có bằng tiến sĩ thì cũng được xem xét bổ nhiệm” - TS-BS Thượng nói.

Hệ đào tạo giảng dạy và thực hành là khác nhau

TS-BS Thượng giải thích khi bổ nhiệm lãnh đạo BV, ngoài yêu cầu của Nhà nước là có bằng cấp về quản lý nhà nước, riêng ngành y tế đòi hỏi ứng viên phải có trình độ quản lý BV.

Ở các nước, như ở Mỹ một thời họ không chọn bác sĩ (BS) làm quản lý BV vì họ nghĩ nhà quản lý không cần là người chuyên môn. Nhưng được cái này, mất cái khác. Nếu không có chuyên môn, khi các khoa phòng đề xuất phát triển về chuyên môn thì sẽ khó khăn.

Ở Việt Nam, trước đây giám đốc các BV hạng 1, 2 phải có trình độ sau đại học: thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Nhưng mấy năm gần đây, giám đốc BV ưu tiên tiến sĩ hoặc chuyên khoa II.

Theo TS-BS Thượng, Sở Y tế TP.HCM đang tính toán giữa tiến sĩ và chuyên khoa bên nào giúp công tác quản lý thuận lợi hơn. Qua phân tích cho thấy việc lấy bằng tiến sĩ khó khăn từ đầu vào vì việc tuyển tiến sĩ rất hạn chế. Quy định của Bộ GD&ĐT là căn cứ vào nhân lực của bộ môn nên mỗi năm chỉ tuyển vài tiến sĩ. Thứ hai, tiến sĩ chỉ làm luận án về một vấn đề nào đó. Còn chuyên khoa II rộng và sâu hơn về chuyên môn, tuy cũng làm đề tài tốt nghiệp nhưng là học cả một chuyên khoa như ngoại, nhi, sản… “Rõ ràng BS chuyên khoa II thuận lợi và phù hợp với vai trò quản lý BV hơn” - TS-BS Thượng nói.

Điều hành quản lý BV tốt là một thách thức đối với nhiều giám đốc BV. Ảnh: TÙNG SƠN

Trong dự thảo sắp triển khai của Sở Y tế TP.HCM, ngoài bằng cấp Nhà nước quy định thì trình độ chuyên môn ưu tiên chuyên khoa II trước, sau đó mới đến tiến sĩ (nếu người được quy hoạch đã có tiến sĩ).

“Việc định hướng như vậy để những người được quy hoạch không lao vào con đường nghiên cứu sinh, mất thời gian, mất sức mà chưa chắc đã xong. Nhiều người làm tiến sĩ nhiều năm mà chưa xong” - TS-BS Thượng cho biết thêm. Ngoài ra, gần đây Bộ Y tế và Sở Y tế TP đề nghị nếu làm quản lý BV phải được đào tạo cấp chứng chỉ về quản lý BV, các trưởng khoa, phòng cũng vậy.

Cần BS giỏi quản lý làm lãnh đạo BV

Sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin vấn đề trên, có rất nhiều ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, cũng có một số ít ý kiến cho rằng tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư vẫn quản lý BV được vì họ dạy, hướng dẫn cho bác sĩ chuyên khoa.

TS-BS Thượng giải thích rằng hệ đào tạo đòi hỏi chí ít cũng là thạc sĩ, hơn nữa là tiến sĩ, giáo sư… Còn hệ thực hành là hệ quản lý. “Đối với tôi, không cần BS giỏi làm lãnh đạo, biết chuyên môn là được nhưng cần BS giỏi về quản lý” - TS-BS Thượng nói.

Vậy những tiến sĩ vẫn làm việc thực hành thì có quản lý BV được không? TS-BS Thượng giải thích: Thực chất đó là hệ viện - trường. Như ở Úc, Pháp, họ làm tiến sĩ nhưng vẫn thực hành ở BV. Nhưng thực hành này chỉ để phục vụ cho công tác giảng dạy. Ở nước ngoài, BS chuyên khoa rất được coi trọng. Như ở Pháp, BS chuyên khoa học đến lúc cầm bằng chuyên khoa đi làm tốn 10-12 năm, trong quá trình học đó, chỉ cần hai năm họ có thể lấy bằng thạc sĩ rồi!

Công tác chuyên môn do trưởng khoa chịu trách nhiệm

Một giáo sư từ Hà Nội cho rằng đây mới chỉ đứng ở góc độ những người cùng làm trong môi trường y của những năm 1960-1970 khi mà tất cả BV đều nhỏ và quy mô quản lý chưa cao. Bây giờ quy mô và mức độ quản lý BV khác xa, nó không còn là một tập thể dễ thương nữa, đó là một bộ máy cần được điều khiển bởi một người được đào tạo về quản lý. Cũng giống như tất cả các nước, không có chuyện BS làm giám đốc, dù là thạc sĩ, tiến sĩ hay giáo sư, cùng lắm là giám đốc danh dự. Những người làm giám đốc BV thường từ bên quản lý hành chính sang. Việc chính của họ là điều khiển bộ máy hành chính để phục vụ cho chuyên môn. Công tác chuyên môn do các trưởng khoa chịu trách nhiệm.

___________________________________

BV được đào tạo chuyên khoa là vi phạm luật

Vì sao không bổ nhiệm tiến sĩ làm giám đốc BV? ảnh 2
 
Việc chỉ bổ nhiệm các BS chuyên khoa cấp I và II làm giám đốc BV là một hướng đi đúng mà đáng lẽ ra chúng ta phải thực hiện từ lâu. Một BS chuyên khoa sẽ làm tốt hơn công tác chuyên môn và quản lý BV nếu họ được học thêm chuyên ngành về quản lý BV. Khác với trường đại học, BV là nơi công tác chuyên môn khám - chữa bệnh phải được đặt lên hàng đầu, công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học chỉ xếp hàng thứ yếu. Thời gian qua một số BV được cấp phép đào tạo cả BS chuyên khoa cấp I và cấp II nữa nhưng đến khi cấp bằng thì không ai đủ thẩm quyền ký vì vi phạm luật giáo dục. Đã đến lúc phải bỏ các cách làm việc và quản lý theo kiểu ba trong một hay “n” trong một như hiện nay. Tránh sử dụng bằng cấp tiến sĩ và thạc sĩ làm đồ trang sức cho giám đốc, cho trưởng khoa.

PGS-TS-BS NGUYỄN HOÀI NAM, Tổng Thư ký Hội Tĩnh mạch học TP.HCM

_______________________________

Theo tôi được biết thì xu hướng sắp tới các thạc sĩ, tiến sĩ chỉ có thể công tác trong các trường và viện nghiên cứu. Để khám, chữa bệnh thì các BS tại các BV phải đi theo hướng đào tạo CKI và CK2. Các thạc sĩ, tiến sĩ đang giảng dạy muốn tham gia khám, chữa bệnh thì bắt buộc phải có thêm bằng chuyển đổi từ thạc sĩ, tiến sĩ sang CKI, CK2. Việc đào tạo nhân lực y tế cũng có nhiều thay đổi. Chẳng hạn thay vì học sáu năm như hiện tại, BS, dược sĩ sẽ phải học thời gian lên tới 10 năm (bốn năm đầu cấp bằng cử nhân, hai năm sau cấp bằng BS mà chưa được khám, chữa bệnh; một năm sau học thực hành tay nghề tại BV và hai năm học chuyên khoa); dự thi kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia. Trải qua tất cả công đoạn trên người học mới được tham gia khám, chữa bệnh.

Bạn đọc NGUYỄN NINH

Hiện nay trưởng khoa là lực lượng quản lý đông nhất của ngành y tế, quản lý trực tiếp người làm chuyên môn nhưng chưa được học quản lý bao giờ. Người ta cứ nghĩ trưởng khoa là trưởng về mặt chuyên môn nhưng bên cạnh đó họ quản lý trực tiếp nhân viên khoa mình. Chính vì vậy, hai năm qua Sở Y tế đào tạo cho hơn 800 trưởng khoa về quản lý. Và BS trưởng khoa cũng phải là chuyên khoa I, II.

TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG,
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm