Vì sao người nổi tiếng giỏi chốt đơn khi bán hàng online?

(PLO)- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến có thể tận dụng sức mạnh từ lực lượng KOL, KOC để tăng trưởng đơn hàng trong kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-10, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2022 tại TP.HCM với chủ đề “Social Marketing” nhằm mang đến những cập nhật mới về xu hướng tiếp thị trong thời đại mới đến cộng đồng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tịch Hiệp hội VECOM cho biết qua hai năm dịch COVID-19, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã có nhiều sự thay đổi khi tỉ lệ chuyển dịch từ mua sắm trực tiếp lên trực tuyến tăng nhanh gấp 3 lần so với trước đó.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM phát biểu tại diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2022. ẢNH: VECOM

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM phát biểu tại diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2022. ẢNH: VECOM

“Với xu hướng này các doanh nghiệp đã và đang đối mặt với bài toán làm thế nào để có những chính sách, chiến lược tiếp cận nhóm khách hàng đã thay đổi hành vi này. Những bài toán đó sẽ được các diễn giả tại Diễn đàn tiếp thị 2022 giải đáp và mang đến những cập nhật xu hướng mới về tiếp thị”- ông Dũng chia sẻ.

Để làm rõ hơn vấn đề ông Dũng đề cập, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc điều hành của DigiPencil cho rằng, với sự thay đổi trong cách thức mua sắm của người tiêu dùng thì hình thức shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) được dự đoán là xu hướng mới cho trong tương lai.

“Bản chất của shoppertainment được xây dựng dựa trên niềm vui khi đi chợ của người tiêu dùng, thông qua 3 giai đoạn, nghe tám- trò chuyện và mặc cả”- ông Huy nhấn mạnh.

Chính vì thế, để gắn kết khách hàng với thương hiệu của mình, cần phải bắt kịp tâm lý người mua hàng. Thông qua mỗi phiên livestream, doanh nghiệp không chỉ phải xây dựng được tính cách riêng của mình, thông qua ngôn từ, cử chỉ cơ thể người bán, quá trình phản hồi người xem và cả việc tung ra các mã giảm giá, chốt đơn, chăm sóc sau quá trình chốt đơn của người mua hàng.

Cũng theo các diễn giả tại hội thảo, hiện nay để phát huy mạnh hình thức mua sắm kết hợp giải trí, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi kinh doanh trực tuyến cần tận dụng sức mạnh từ lực lượng KOL (người nổi tiếng trên nền tảng trực tuyến) và KOC (những người tiêu dùng có ảnh hưởng trên thị trường) để truyền thông tiếp thị tới người dùng. Bởi trên thực tế thị trường tiêu dùng rất dễ dàng tạo xu hướng mới khi nhiều KOL, KOC cùng nói về sản phẩm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, hiện những cách quảng cáo đồng loạt cho tất cả mọi người sẽ khó mà đáp ứng được kế hoạch tăng trưởng doanh thu như mong muốn, đơn giản vì mỗi người có một sở thích và cá tính riêng.

Điều mà người làm công việc marketing (tiếp thị) cần làm là phân chia theo từng nhóm và có những thông điệp phù hợp với nhóm khách hàng.

Ở phương diện này, ông Hưng Huỳnh, Giám đốc khách hàng chiến lược Tập đoàn Meta cho biết, các cuộc trò chuyện 1:1 là trung tâm của các tương tác có ý nghĩa với khách hàng.

Theo khảo sát, có tới 7/10 người cho biết họ cảm thấy kết nối hơn với các doanh nghiệp mà họ có thể nhắn tin.

Ông Hưng lấy một ví dụ minh chứng của doanh nghiệp Cỏ Mềm HomeLad & Pencil, một thương hiệu chăm sóc da Việt đã làm việc với Meta Business Partner Pencil trên một loạt quảng cáo nhấp vào messenger và nhận thấy tỉ lệ tin nhắn trên mỗi lượt tiếp cận cao hơn 44% so với chiến dịch thông thường của doanh nghiệp.

Với thực tế trên, ông Hưng khẳng định giao tiếp kinh doanh thông qua tin nhắn hiện là một phần của hành vi tiêu dùng thông thường.

Ngoài ra, các chuyên gia tại diễn đàn cũng chia sẻ thêm về những chiến lược ứng dụng công nghệ trong việc cá nhân hóa trải nghiệm để đưa người tiêu dùng đến gần hơn với sản phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm