Mùa tết năm nay, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm qua kênh trực tuyến (online) để được giao hàng tại nhà, thay vì đi mua sắm trực tiếp bởi tâm lý lo ngại dịch bệnh. Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ phải thay đổi kế hoạch để đáp ứng nhu cầu mua sắm được “phục vụ tận cửa” của khách hàng.
Sở Công Thương TP.HCM ước tính các doanh nghiệp đã chuẩn bị 19.881 tỉ đồng để dự trữ, cung ứng hàng hóa cho hai tháng tết. Trong đó chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau củ quả, thực phẩm chế biến… |
Nhà sản xuất không ngồi im chờ khách
Chị Khánh Hương, một khách hàng tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết từ đầu mùa dịch COVID-19 tới nay, chị luôn đặt mua hàng qua kênh online. Với hàng hóa phục vụ cho dịp tết sắp tới, chị cũng chủ yếu đặt mua qua kênh online. “Mua qua đây vừa có hàng mình cần mà không phải vô chỗ đông người để lựa thực phẩm. Hàng hóa bị hư hỏng hay héo úa chỉ cần liên hệ với nơi bán là được đổi hoặc hoàn tiền” - chị Hương nói.
Ngoài bán hàng trực tiếp, mùa tết năm nay các nhà sản xuất, kinh doanh còn đẩy mạnh bán hàng online. Ảnh: THU HÀ
Để đáp ứng nhu cầu mua hàng tết qua kênh online của khách, đại diện Công ty Vissan cho biết: Hiện nay phần lớn hàng tết đã được công ty xuất bán cho các hệ thống phân phối, khách hàng. Bên cạnh đó, kênh bán hàng online cũng đang được công ty mở rộng thêm ở nhiều tỉnh, thành cũng như các ứng dụng mua sắm trực tuyến.
“Chúng tôi đã đưa khoảng 300 mặt hàng phục vụ thị trường tết lên trang thương mại điện tử (TMĐT) của mình. Ngoài ra, chúng tôi hợp tác với các sàn TMĐT, nền tảng mua sắm online như ShopeeFood, Loship hay GrabMart để tăng lượng hàng được bán qua các kênh online vào dịp tết” - đại diện Vissan chia sẻ.
Điều đặc biệt, công ty cam kết cửa hàng trực tiếp bán món gì thì trên kênh online cũng bán món đó với mức giá bình ổn. Hiện số lượng đơn hàng đặt mua qua kênh online mùa tết tăng mạnh, vì vậy đơn vị này kỳ vọng sức mua sẽ cao hơn vào đợt cao điểm tết.
Tương tự, Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) cũng cho biết nhận thấy nhu cầu “không muốn ra đường nhưng vẫn mua được thực phẩm mùa tết” nên đã tăng bán hàng qua kênh TMĐT, đồng thời thường xuyên chạy các chương trình giảm giá để kích cầu mua sắm.
“Chúng tôi hợp tác với sàn TMĐT Lazada để đẩy mạnh phân phối bán lẻ online. Song song đó, chúng tôi xây dựng lại website của công ty nhằm mở thêm kênh mua sắm cho người tiêu dùng” - đại diện Sagrifood cho hay.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Dũng, người sáng lập Bảo tàng Làng chài xưa và thương hiệu nước mắm Tĩn, cho biết đưa giỏ quà tết lẫn các sản phẩm nước mắm bán trên sàn TMĐT cùng với kênh phân phối bán lẻ. Theo ông Dũng, việc bán hàng trên kênh Lazada, Shopee, Sendo… giúp đơn vị không mất quá nhiều chi phí như đầu tư cho kênh truyền thống, lại sở hữu nguồn khách hàng đồ sộ và tiếp cận được cả khách hàng ở những khu vực mà kênh bán lẻ chưa tiếp cận tới.
Nhà bán lẻ cũng tăng tốc bán hàng online
Không chỉ các công ty sản xuất đẩy mạnh bán hàng online mùa tết mà nhiều hệ thống đại siêu thị cũng tấn công mạnh vào kênh này. Từ đầu tháng 10 tới nay, nhóm chat Zalo bán hàng của Siêu thị Vinmart Quang Trung (quận Gò Vấp) luôn bận rộn trước những thông tin cập nhật hàng hóa tết, giỏ quà tết.
Đáng chú ý, để kích cầu mua sắm dịp cuối năm, mỗi ngày nhân viên đều gửi hình ảnh các sản phẩm mới nhập về cũng như giá cả khuyến mãi, đồng thời cam kết giao hàng trong 2 giờ và miễn phí vận chuyển để người tiêu dùng yên tâm đặt hàng.
Không chỉ Vinmart, hệ thống siêu thị GO! cũng thông tin đơn vị này tung ra rất nhiều kênh bán hàng online để khách hàng dễ dàng đặt giỏ quà tết và mua sắm hàng tết với mức giá ưu đãi thông qua Tiki, ShopeeFood, GrabMart hay kênh mua sắm của Zalo, Facebook, hotline và cả ứng dụng GO! Big C.
“Bên cạnh đó, chúng tôi còn ra mắt kênh bán hàng mới qua livestream với giá bán ưu đãi cho khách hàng mùa tết” - đại diện hệ thống siêu thị nhấn mạnh.
Tương tự, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã tung ra 10.000 sản phẩm tập trung vào các nhóm ngành hàng thiết yếu như bánh kẹo, mứt, thức uống, thực phẩm tươi sống… phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm.
Nhà bán lẻ này còn nhấn mạnh để phục vụ tết 2022, siêu thị sẽ giao hàng theo nhu cầu của khách, kể cả sau giờ hành chính. Đặc biệt, siêu thị này cam kết giao hàng trong vòng 4 giờ sau khi đơn hàng được xác nhận và miễn phí vận chuyển trong bán kính 7 km.
Kỳ vọng sức mua hàng tết tăng
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, khẳng định dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các công ty trong ngành cam kết sẽ không thiếu hàng phục vụ cho mùa tết. Không chỉ các mặt hàng thông thường, các nhà sản xuất còn cung cấp đầy đủ mặt hàng đặc sản do các tỉnh, TP cung cấp để đáp ứng nhu cầu sắm tết của người dân.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, nhìn nhận đến thời điểm này người tiêu dùng vẫn còn khá thận trọng khi mua sắm tết. Tuy nhiên, lượng khách hàng đến các trung tâm và siêu thị tại khu vực phía Nam mua sắm đang tăng đều qua từng tuần.
“Với một số dấu hiệu tích cực của thị trường, chúng tôi nhận định sức mua sẽ tăng dần trong thời gian sắp tới, đặc biệt vào giai đoạn cận tết” - ông Furusawa Yasuyuki nhận định.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đánh giá mặc dù sức mua có thể không bằng năm ngoái nhưng khả năng người dân, đặc biệt là công nhân sẽ ở lại TP đón tết nhiều hơn. Việc không đi du lịch cũng là một lý do tạo sự gia tăng tiêu dùng tại TP.HCM. Đó là những cơ sở để kỳ vọng sức mua thị trường tết sẽ tốt dần lên trong những ngày cuối năm.•
Xu hướng mua sắm tết đã thay đổi Báo cáo xu hướng tiêu dùng dịp tết 2022 của Kantar cho biết người dân có xu hướng chủ động mua sắm sớm hơn thường lệ, đồng thời hành vi mua sắm cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây các đại siêu thị thường là kênh hưởng lợi nhiều nhất từ việc chi tiêu cao trước tết thì hiện nay kênh mua sắm online và các siêu thị nhỏ dường như ghi nhận đà tăng trưởng tốt hơn và dự kiến sẽ tăng tốc vào tết 2022. Nguyên nhân được cho là do người tiêu dùng lo sợ lây lan dịch COVID-19 nên hạn chế tới các đại siêu thị đông người. |