Vì sao người quay clip vụ bạo hành trẻ lại bị phạt?

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã tổ chức họp báo thông tin về vụ bạo hành trẻ ở nhóm trẻ Mẹ Mười tại TP Đà Nẵng mà dư luận xã hội quan tâm. Việc phát hiện trẻ bị bạo hành xuất phát từ một đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội sáng 21-5.

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) cho biết cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ, xem xét xử lý người thực hiện clip ghi hình cảnh bạo hành trẻ ở nhóm trẻ Mẹ Mười.

Bởi theo kết quả điều tra của cơ quan công an, clip này được thực hiện vào thời điểm tháng 4-2018 (cách nay khoảng 1,5 tháng) nhưng người quay clip, cũng là người chứng kiến hành vi bạo hành trẻ, lại không tố cáo ngay hành vi vi phạm của bà Đinh Thị Hồng với các cơ quan, đơn vị chức năng để nhà chức trách có biện pháp xử lý kịp thời những sai phạm trong hoạt động của nhóm trẻ này.

Bé trai bị bạo hành bằng việc xách ngược cổ tại nhóm trẻ gia đình Mẹ Mười. (Ảnh cắt từ clip)

Pháp luật quy định sao về trường hợp này? Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể để chế tài vi phạm này.

Luật sư Hoan phân tích: Tại khoản 1 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định nghiêm cấm không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Điều 51 của luật này cũng nêu rõ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, tại Điều 105 Luật Trẻ em cũng quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc buộc người không cung cấp clip phạm tội không tố giác tội phạm theo Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 cũng không ổn bởi luật quy định người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm. Trường hợp này khó có thể xác định được người quay clip có biết hành vi bạo hành như vậy có phải là tội phạm hay không.

“Hiện nay chưa có chế tài đối với một số hành vi vi phạm điều cấm và vi phạm trách nhiệm như đã nêu ở trên. Đây hiện là một trong những nội dung được đưa ra trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng và đang lấy ý kiến. Dự thảo nghị định này nêu rõ: "Việc không cung cấp, che giấu thông tin, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; về trẻ em bị xâm hại cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền 10-15 triệu đồng” - luật sư Hoan cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm