Về việc không thêm các số 6, 2, 3... vào trước các số như trước đây, ông Tuấn giải thích: Thêm số như năm 2008 là đổi số. Còn nếu tiến hành thêm các số như vậy vào mã vùng thì không giải quyết được bài toán giải phóng các mã vùng phục vụ phát triển các dịch vụ khác. Ví dụ, kho số di động cho M2M, dịch vụ điện thoại Internet... Ngoài ra việc chuyển đổi mã vùng này không làm thay đổi số thuê bao cố định.
Nói về việc tại sao phải tiến hành đổi mã vùng trong thời gian gấp gáp (trong năm 2017), ông Tuấn cho hay với sự phát triển bùng nổ của thông tin di động trả trước, từ năm 2007 đã bắt đầu sử dụng thêm thuê bao 11 chữ số. Tuy nhiên, do thị hiếu, hầu hết mọi người chuộng dùng thuê bao 10 số hơn nên hiệu quả sử dụng thuê bao 11 số không cao, tỉ lệ rời mạng lớn và đây lại là nguồn phát tán SIM rác, tin nhắn rác chủ yếu.
“Mặt khác, xu hướng chung trên thế giới cũng như ở Việt Nam là thông tin di động tiếp tục bùng nổ, nhu cầu kho số tiếp tục tăng. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh lại quy hoạch kho số” - ông Tuấn nói.
Một cán bộ của Cục Viễn thông giải thích thêm, mã điện thoại cố định dùng ít nhưng chiếm tỉ trọng tài nguyên tới 90%, từ đầu 2 đến đầu 8, trong khi đầu di động chỉ có đầu 9 và đầu 1.
“Nhu cầu của di động ngày càng phát triển, nếu vẫn tiếp tục phát triển đầu 9 thì đầu số này buộc phải chuyển sang đầu 1. Vì vậy phải giải phóng nhanh mã số di động mới để phát triển thuê bao trên đầu kia. Nếu để lâu hơn thì sẽ thiệt hại cho xã hội” - cán bộ này cho hay.