Vừa qua, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai dự án xây cầu vượt tại ngã sáu Công trường Dân Chủ (gọi tắt là ngã sáu) theo lệnh khẩn cấp để giảm ùn tắc khu vực. Theo thiết kế, cầu vượt dành cho cả ô tô và xe máy dài hơn 268 m, rộng 6,5 m mỗi làn, từ đường Võ Thị Sáu qua vòng xoay đến đường Ba Tháng Hai.
Ngoài phương án này cũng có một số đề xuất khác nhưng nhìn chung mỗi phương án đều có những vướng mắc riêng…
Xây cầu vượt vướng… metro
Dự án xây cầu vượt mà TP kiến nghị đã được thông qua chủ trương đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với tổng mức phí 281 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP. TP cho rằng nếu được Thủ tướng đồng ý, công trình có thể khởi công và hoàn thành ngay trong năm nay (thời gian thi công là sáu tháng).
Tuy nhiên, mới đây ông Nguyễn Vinh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị, cho biết nếu xây cầu vượt thì cần phải chờ nhà thầu xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương xác định vị trí xây dựng nhà ga ngầm tại khu vực điểm sinh hoạt văn hóa 126 Cách Mạng Tháng Tám. Sau đó dự án cầu vượt mới có thể triển khai thi công.
Cạnh đó còn một số vấn đề kỹ thuật cũng phải được tính toán. Đơn cử có nên làm cầu vượt trước với vách ngăn phân chia, tách khỏi khu vực ảnh hưởng tới tuyến metro số 2. Tấm vách ngăn này dày khoảng 2 m với kinh phí xây dựng rất cao. Hoặc cứ làm cầu vượt trước, sau này khi metro số 2 triển khai xây dựng qua thì tháo dỡ cầu vượt để làm metro xong thì lắp cầu vượt lại…
Đây là những vấn đề mà Sở GTVT đang phải bàn thảo với Ban Quản lý đường sắt đô thị TP và với nhà đầu tư, xây dựng tuyến metro số 2 để trình UBND TP quyết định.
Hằng ngày lượng xe đổ dồn vào vòng xoay ngã sáu Công trường Dân Chủ rất đông, luôn gây ra ùn tắc. Ảnh: LĐ
Sơ đồ vị trí ngã sáu Công trường Dân Chủ. Ảnh: LĐ
Hay xóa tiểu đảo mở rộng vòng xoay?
Trong khi UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xây cầu vượt thì cuối tháng 6, tại cuộc họp giải quyết 37 điểm ùn tắc do Sở GTVT tổ chức, có ý kiến đề xuất bóp nhỏ đảo tròn nằm giữa vòng xoay lại để tăng diện tích mặt đường chạy quanh vòng xoay.
Đề xuất khác “quyết liệt” hơn khi cho rằng phải xóa bỏ luôn đảo tròn, chuyển việc điều tiết qua nút ngã sáu này bằng đèn tín hiệu.
Tuy nhiên, các ý kiến này cũng gặp nhiều phản biện. Theo các chuyên gia cầu, đường, về nguyên tắc ở một vòng xoay, tiểu đảo càng lớn thì càng dễ lưu thông, xe cộ dễ dàng trộn dòng, nhập tách dòng đi tỏa về các hướng.
Nếu “gọt” bớt tiểu đảo ở giữa thì sẽ làm cho các dòng xe có xu hướng vào tâm càng lớn. Khi đó mật độ xe ở tâm vòng xoay tăng lên, khả năng trộn dòng và tách nhập dòng đi về các hướng sẽ bị triệt tiêu, càng gây nguy cơ kẹt xe.
Còn xóa luôn tiểu đảo chuyển sang điều tiết bằng đèn tín hiệu thì càng rối vì ngã sáu có quá nhiều hướng đi (gọi ngã sáu nhưng ở đây có bảy hướng xe vào ra vòng xoay), rất khó xử lý.
Tuy nhiên, một ý kiến tại cuộc họp được nhiều người quan tâm, có thể xem xét là giữ nguyên tiểu đảo và bổ trợ thêm đèn điều tiết xe vào vòng xoay. Thực tế cách đây 10 năm, phương án này đã được áp dụng ở ngã sáu Công trường Dân Chủ.
“Làm hầm thì to tiền”
Cách đây vài năm, các cơ quan tư vấn đã nghiên cứu đến phương án làm hầm chui qua ngã sáu. Theo đó, có hai phương án hầm.
Thứ nhất, hầm chui một chiều hình chữ S từ hướng đường Võ Thị Sáu qua đường Ba Tháng Hai. Nhưng để làm hầm này thì sẽ phải giải tỏa rất nhiều nhà, đất nằm phía đầu đường Võ Thị Sáu.
Thứ hai, hầm chui trực thông hai chiều theo đường Cách Mạng Tháng Tám. Cái vướng lớn nhất của hầm trực thông này là ở phía quận 3 sẽ phải kéo dài qua khỏi ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ, không thể ngoi lên ở trước ngã ba Cách Mạng Tháng Tám - Tú Xương vì quá ngắn và quá dốc. Như vậy hầm sẽ rất dài dẫn đến kinh phí sẽ rất lớn...
Mất 15 phút mới thoát khỏi vòng xoay Theo ghi nhận của PV, hằng ngày lượng xe đổ dồn vào vòng xoay ngã sáu để tỏa về các hướng rất đông. Cảnh ùn tắc luôn xảy ra, đặc biệt là trong các giờ cao điểm sáng và chiều. Chị Huỳnh Hồng Hoa nhà ở Bà Quẹo (quận Tân Bình) cho biết chị thường đi về giữa Bà Quẹo và Bến Thành mỗi ngày trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Lần nào đến vòng xoay ngã sáu chị đều phải chịu trận vì xe kẹt cứng, không di chuyển được trong lòng vòng xoay. “Từ bên này vòng xoay qua bên kia theo cùng hướng đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn đường ngắn chừng 50 m nhưng tôi phải nhích mất 15 phút mới qua được” - chị Hoa cho biết. “Xe qua đây thì mạnh ai nấy chạy. Cách đây mấy hôm, một ô tô chạy hướng Cách Mạng Tháng Tám từ phía quận 10 đổ vào vòng xoay, do cố vượt nhanh nên xảy ra va chạm với ô tô khác hướng Nguyễn Phúc Nguyên quẹo sang đường Ba Tháng Hai. Chẳng ai chịu nhường ai khiến kẹt xe nghiêm trọng” - ông Nguyễn Quang, 65 tuổi, ngụ quận 3, lái xe ôm khu vực vòng xoay, cho biết. Theo ông Quang, kẹt xe là chuyện thường ngày ở đây, đã nhiều năm chứ không phải bây giờ. Xe cộ ngày càng đông hơn mà đường dẫn vào ra khỏi vòng xoay và cả mặt đường trong lòng vòng xoay mấy chục năm nay vẫn không thay đổi. Ngã sáu nhưng thành bảy Dù tên thường gọi là ngã sáu nhưng ở đây có tới bảy hướng xe vào ra vòng xoay: Cách Mạng Tháng Tám (hướng từ ngã tư Bảy Hiền đổ vào và ra; hướng từ Bến Thành đổ vào và ra), Ba Tháng Hai, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Phúc Nguyên, Võ Thị Sáu và Lý Chính Thắng. |