UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, đưa ra bốn nhóm giải pháp gồm tín dụng; tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường và hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực.
Các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM sẽ được hỗ trợ. Ảnh: LÊ THOA
Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ về tín dụng, UBND TP giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM tham mưu cho UBND TP kiến nghị Thủ tướng tăng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến” (hoặc mô hình đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thực hiện, gọi tắt là doanh nghiệp 3T) cao hơn mức hỗ trợ hiện hành về vốn vay ngân hàng và đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ, cho vay.
UBND TP cũng giao Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội TP, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được vay lãi suất 0%, không phải bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc cho người lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch, UBND TP giao Sở Du lịch lập danh sách và đề xuất triển khai chính sách hỗ trợ đối với đối tượng này.
Với nhóm giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động, UBND TP giao Cục Thuế TP.HCM chủ động triển khai đến doanh nghiệp chính sách hỗ trợ tại Nghị định 52/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; thủ tục thực hiện đơn giản, giải quyết nhanh và kịp thời.
Cùng đó, Cục Thuế tham mưu cho UBND TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận dịch COVID-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng để doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh. Chủ động xây dựng phương án hỗ trợ tiền thuê đất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, ngay sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Cục Thuế TP cần tham mưu cho UBND TP kiến nghị Thủ tướng tăng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp 3T cao hơn mức hỗ trợ hiện hành về thuế và đơn giản hóa các loại thủ tục hỗ trợ.
Đối với Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, UBND TP giao đơn vị này triển khai các chính sách hỗ trợ giảm giá tiền điện cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP theo Nghị quyết 83 ngày 31-7-2021 của Chính phủ về phương án giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện.
Tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương về chính sách giảm giá điện sản xuất và miễn tiền điện sinh hoạt của công nhân trong các doanh nghiệp 3T như chính sách đối với các khu cách ly tập trung.
Đối với Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, UBND TP giao tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ miễn tiền sử dụng nước sinh hoạt cho các khu cách ly tập trung (không thu phí) trong thời gian từ tháng 6 đến 31-12-2021; giảm 10% tiền sử dụng nước sinh hoạt cho tất cả khách hàng sử dụng nước trên địa bàn TP trong thời gian từ tháng 9 đến 11-2021.
UBND TP giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu phân loại doanh nghiệp theo mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động đối với kinh tế - xã hội TP, gồm ba nhóm doanh nghiệp: phá sản, tạm dừng, đang hoạt động (mô hình 3T). Trên cơ sở đó tổ chức rà soát, phân tích tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc từng nhóm, đề xuất chính sách phù hợp.
Cùng với đó, tham mưu đề xuất tiêu chí xác định doanh nghiệp cần được ưu tiên tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả nhanh, ngay trong tháng 8, có danh sách thứ tự ưu tiên theo lĩnh vực ngành nghề.
Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường, UBND TP giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở KH&ĐT và các cơ quan có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, kênh thương mại trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay.
Tổ chức gặp gỡ các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.
Còn nhóm giải pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, UBND TP giao Sở TT&TT phối hợp Hội Tin học TP.HCM triển khai kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, từng bước nâng cao hiệu quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hoá.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp…