Giải cứu trái phiếu doanh nghiệp

(PLO)- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm sẽ gây sức ép lên ngân hàng và tạo ra mối lo ngại đáng kể khi lượng trái phiếu đáo hạn lên đến cả trăm ngàn tỉ đồng vào cuối năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Điều dễ nhận thấy về tình trạng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chính là sự sụt giảm đáng kể lượng trái phiếu phát hành. Trong tháng 4 và 5, DN chỉ bán được vài ngàn tỉ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư. Thiếu dòng tiền vào, TPDN đang khiến DN mất nguồn vốn dài hạn đầu tư cho các dự án tiềm năng cũng như việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm cho việc thanh toán tiền lãi, vốn gốc trái phiếu. Bởi vì nguồn vốn cho DN hiện nay dựa vào hai nguồn gồm thị trường trái phiếu và tín dụng.

Trước đó, từ năm 2019 đến những tháng đầu năm 2022, thị trường TPDN đạt tổng lượng phát hành lên hơn 1 triệu tỉ đồng. Điều này đã giúp đáng kể cho hoạt động cung ứng vốn cho các DN, cho nền kinh tế, đặc biệt là giúp các tổ chức tín dụng bớt đi gánh nặng về rủi ro kỳ hạn.

Một hiện tượng khác đang nổi lên, trong khi phát hành èo uột thì DN phải dồn vốn mua lại TPDN đã phát hành trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa DN khó có thể tập trung vào sản xuất, kinh doanh như trước đây vì thiếu hụt nguồn tiền đầu tư. Gọi vốn không được trong khi phải tập trung trả nợ khiến DN khó chồng khó.

Chính phủ đã rất hỗ trợ thị trường TPDN bằng hàng loạt chính sách. Điển hình Nghị định 08/2023 và Thông tư 03/2023 khơi thông các nút thắt trên thị trường nhưng cũng chỉ tạo hiệu ứng tích cực trong thời gian ngắn. Sự khó khăn của việc phát hành TPDN cũng được chỉ ra do tình hình tăng trưởng kinh tế trong và ngoài nước có xu hướng chậm lại, mặt bằng lãi suất cũng đang ở mức cao, niềm tin của các nhà đầu tư xuống thấp.

Theo các chuyên gia, rất khó đưa ra một giải pháp toàn diện để hạn chế tất cả nguyên nhân gây ra sự ảm đạm của thị trường, đặc biệt là nhóm nguyên nhân bắt nguồn từ tình hình chung của nền kinh tế vĩ mô. Nhóm giải pháp trước mắt, giống như tinh thần của Nghị định 08 và Thông tư 03, là tập trung vào việc giúp DN phát hành vượt qua áp lực trả nợ và hạn chế việc vỡ nợ trên quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn cho thị trường TPDN và nền kinh tế.

Điều quan trọng hơn, sự đột phá của thị trường TPDN cần được thực thi đồng bộ cả cho DN và nhà đầu tư. Trong đó, DN vẫn phải chịu trách nhiệm đến cùng nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư.

Bản thân các nhà đầu tư cũng phải tôn trọng các quy định của pháp luật để bảo vệ mình, cần phải tham gia các khóa học trước khi được tham gia vào thị trường trái phiếu. Điều này sẽ đảm bảo được rằng nhà đầu tư hiểu được những rủi ro tiềm ẩn trong việc đầu tư TPDN.

Để gia tăng ảnh hưởng tích cực đến nhu cầu của nhà đầu tư cũng như tính thanh khoản của thị trường, Chính phủ có thể cân nhắc thêm những biện pháp hỗ trợ khác như ban hành các chính sách ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN, triển khai và hoàn thiện hệ thống giao dịch TPDN tập trung…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm