Lý do đề xuất giảm 50% mức hưởng BHXH 1 lần

(PLO)- Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều chính sách mới lần đầu được nghiên cứu đưa vào với mục tiêu tất cả người cao tuổi đều có tiền dưỡng già.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại cuộc họp báo thông tin dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vào chiều 16-3, ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết dự luật đã được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và người dân từ ngày 1-3. Nội dung dự luật mở rộng, gia tăng quyền lợi, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động (NLĐ) tham gia BHXH.

Nhiều chính sách mới

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết một trong các điểm đáng chú ý của dự luật là quy định giảm năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc không liên tục cũng được hưởng lương hưu.

Quy định chỉ rút BHXH một lần tối đa 50% sẽ giảm đối tượng hưởng BHXH một lần bình quân ít nhất khoảng trên 10.000 người đến trên 40.000 người mỗi năm.

Về quy định hưởng BHXH một lần, theo ông Cường, ngoài phương án giữ nguyên quy định hiện hành, cơ quan soạn thảo đề xuất nếu NLĐ đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. “Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống để được hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu” - ông Cường nhấn mạnh.

Tiếp đó là bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH. Cụ thể, NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu nếu chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (hiện nay là 80 tuổi). Mức hưởng thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội, ngoài ra trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Dự luật cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. “Theo luật hiện hành, nhóm này mới chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Nếu luật được thông qua, sẽ có khoảng 100.000 người được hưởng lợi trực tiếp…” - ông Cường cho hay.

Hướng đến mục tiêu người cao tuổi có lương hưu

Theo ông Cường, cả nước đang có khoảng 5 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu và 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng. Hiện có khoảng 9,6 triệu người trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu người vào năm 2030.

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy tổng thời gian đóng bình quân theo năm của các độ tuổi tăng dần từ lao động có độ tuổi thấp đến cao, đặc biệt độ tuổi từ trên 50 có số năm đóng BHXH bình quân là 7,23 năm. Nếu vẫn giữ nguyên quy định điều kiện hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm thì những lao động này khó có cơ hội hưởng lương hưu, từ đó họ lựa chọn nhận BHXH một lần.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều chính sách mới lần đầu được nghiên cứu đưa vào. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều chính sách mới lần đầu được nghiên cứu đưa vào. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

“Thực tế nhiều người rút một lần muốn quay lại tham gia BHXH tiếp nhưng theo quy định hiện nay, họ lại không đủ điều kiện. Do vậy, việc giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu đi kèm với chỉ nhận 50% BHXH một lần sẽ giúp NLĐ có thêm lựa chọn, sau đó họ có thể nhận trợ cấp hưu trí hoặc nhận số tiền còn lại…” - ông Cường lý giải.

Còn ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng quy định rút BHXH một lần như hiện nay “hơi đóng”, nếu quy định chỉ rút 50% sẽ khuyến khích NLĐ quay lại thị trường tiếp tục tham gia BHXH nhằm hưởng lương hưu.

Việc mức đóng thấp và thời gian tham gia ngắn lương hưu sẽ thấp, ông Cường cho rằng đó là điều tất yếu vì Quỹ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng. “Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề là hiện nhiều người cao tuổi không có khoản tiền nào để dưỡng già. Vì vậy, chính sách của Đảng là hướng đến mục tiêu NLĐ hết tuổi lao động đều được hưởng ít nhất một chính sách của Nhà nước, sau đó mới tiếp tục hướng đến mức lương hưu cao hơn, vì có lương hưu hoặc trợ cấp dù ít vẫn hơn không có gì…” - ông Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm