Trong cái nắng chiều oi bức của TP.HCM, nằm nép mình trong một con hẻm tại đường 41, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, một cửa hàng ghi “Gian hàng 0 đồng. Ai cần đến lấy, ai dư đến cho. Hãy lấy vừa đủ dùng, nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”.
Của cho không bằng cách cho
Vào bên trong cửa hàng 0 đồng của chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, hai sào đồ được treo thẳng tắp. Mấy chục bao quần áo được mọi người từ khắp nơi mang đến gửi tặng nằm gọn gàng một góc.
Quần áo cũ tại cửa hàng được chị Trâm cẩn thận phân loại, đồ nam riêng, nữ riêng, đồ trẻ em, và cả đồ công sở. Đằng trước cửa hàng là khu vực giày dép, túi xách, thậm chí là đồ chơi trẻ em để cho những ai có nhu cầu đến chọn.
Đôi tay thoăn thoắt vừa phân loại quần áo chị Trâm vừa kể: “Hơn 10 năm qua, tôi vẫn làm công việc thu gom quần áo cũ gửi tặng cho bà con ở vùng cao. Từ đó, tôi ấp ủ ước mơ mở cửa hàng quần áo 0 đồng, trước mắt là giúp đỡ cho bà con cần quần áo tại TP.HCM, sau đó là tiếp tục gửi tặng cho những ai có nhu cầu sử dụng ở những nơi khác.”
Mỗi buổi chiều, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (phải) đều cẩn thận phân loại quần áo cũ của mọi người từ khắp nơi mang đến tặng. Ảnh: TÚ NGÂN |
Được biết, cửa hàng mở cửa hơn 2 tuần, số lượng quần áo được mọi người mang đến tặng rất nhiều. Mỗi ngày sau thời gian giảng dạy yoga và chăm sóc gia đình chị Trâm lại dành nửa ngày còn lại để kiểm tra quần áo treo lên sào, một số loại quần áo thì phải giặt lại. Đối với những loại quần áo không đạt, chị xếp lại gửi đến trung tâm cứu hộ chó mèo tại TP.HCM làm chỗ ngủ cho chó, mèo.
Khách hàng tìm đến cửa hàng đa phần là những người lao động khó khăn, công nhân, bán vé số, lượm ve chai…Từ ngày rục rịch chuẩn bị mở gian hàng 0 đồng, chị Tâm nhận được sự ủng hộ từ gia đình và hàng xóm, nhiều người sống gần nhà cũng dành thời gian sang hỗ trợ chị Tâm phân loại quần áo.
“Còn nhớ ngày khai trương gian hàng 0 đồng có hai mẹ con nọ, được hàng xóm gần đây giới thiệu, họ đi từ Tiền Giang lên để lựa chọn quần áo, đứa trẻ níu tay tôi nói: “Cảm ơn cô Trâm đây là lần đầu tiên con được đi lựa quần áo”. Hay những đứa trẻ bán vé số ở khu phố ríu rít đến lựa quần áo, nhìn đôi tay các con mân mê từng món đồ tự nhiên tôi cảm thấy vui lây, việc làm của mình đã góp phần mang lại niềm vui cho nhiều người.” – chị Tâm nhớ lại.
Tại gian hàng 0 đồng của chị Tâm, những ai ở xa không có điều kiện đến lựa chọn quần áo tìm đến chị cũng sẽ được hỗ trợ tận tình. “Sau khi xác minh thông tin, độ tuổi và được cung cấp cân nặng, size quần áo, tôi dành thời gian rảnh gọi video cho mọi người lựa chọn quần, áo theo sở thích. Sau đó đóng gói và gửi đi, phí giao hàng là mọi người tự trả, nhưng nếu hoàn cảnh nào đặc biệt thì tôi chủ động thanh toán.” – chị Trâm cho biết.
Chị Lê Thị Tuyết Phượng bế con gái nhỏ đến lựa chọn quần áo. Ảnh: TÚ NGÂN |
Vừa bế con trên tay chị Lê Thị Tuyết Phượng tươi cười lựa quần áo cho đứa con gái nhỏ chỉ mới 5 tháng. “Quần áo ở đây sạch sẽ, tôi chọn được một vài bộ đồ ưng ý cho con. Bộ đồ con đang mặc trên người cũng vừa được lựa tại gian hàng 0 đồng này. Theo tôi, đây là việc làm hết sức ý nghĩa của chị Trâm vừa giúp đỡ được nhiều người, sử dụng lại quần áo cũ cũng tiết kiệm và bảo vệ môi trường” – chị Phượng vui vẻ nói.
6.000 bộ áo dài 0 đồng đã được sẻ chia
Hơn một năm trước, chị Đoàn Thị Nguyệt quyết định cùng chị của mình là chị Đoàn Thị Trúc Linh mở cửa hàng “Áo dài 0 đồng” (115 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức).
Hơn 20 năm gắn bó với nghề may áo dài, chị Nguyệt luôn trăn trở làm sao lan tỏa giá trị của chiếc áo dài truyền thống đến gần với cộng đồng.
Sau khi nhận áo dài cũ, chị sẽ chỉnh sửa áo, giặt sạch và ủi phẳng rồi phân loại theo màu áo, đính số đo ba vòng lên áo để khách dễ dàng tìm áo vừa vặn, đúng sở thích.
Chị Đoàn Thị Nguyệt là người khởi xướng cửa hàng “Áo dài 0 đồng” suốt một năm qua. Ảnh: TÚ NGÂN |
“Với nhiều người, chiếc áo dài mặc qua rồi chỉ là chiếc áo cũ nhưng với người được nhận, đó là món quà quý giá. Có người đến nhận áo dài cầm tay tôi nói đây là chiếc áo dài đầu tiên có được, khi nào mất vẫn muốn mang theo.
Tôi mong rằng người phụ nữ dù ở hoàn cảnh nào, bán vé số, rửa chén thuê… không có điều kiện sở hữu chiếc áo dài, đến cửa hàng có thể thoải mái lựa chọn cho mình một bộ áo dài ưng ý” - chị Nguyệt tâm sự.
Chị Nguyệt tâm niệm rằng: “Nếu tiệm may không ai kế thừa, tôi có thể dừng kinh doanh nhưng với “Áo dài 0 đồng” thì vẫn sẽ duy trì đến bao giờ không còn sức thì thôi”.
Sau khi được tư vấn em Phùng Thị Anh Thư đã chọn được cho mình một chiếc áo dài ưng ý. Ảnh: TÚ NGÂN |
Em Phùng Thị Anh Thư (15 tuổi) theo mẹ đến chọn áo dài chia sẻ: “Bình thường em chỉ mặc áo dài trắng đến trường, hôm nay đến cửa hàng cùng mẹ em thấy ở đây có nhiều mẫu mã, áo dài được ủi phẳng, sạch sẽ, dễ dàng lựa chọn. Sau khi sử dụng xong bộ áo dài, em sẽ giặt sạch lần sau mang đến cửa hàng tặng lại cho người khác.”
Cạnh đó, chị Phùng Thị Thùy Vân (44 tuổi, TP Thủ Đức) mẹ của Thư cho biết, thông qua hàng xóm giới thiệu chị đã đến đây lựa dài được một lần, và quyết định lần này đưa con đi cùng.
“Dẫn con gái và cháu đến lựa áo dài tôi được chị Nguyệt tận tình tư vấn chọn áo dài nào cho phù hợp, còn cùng lựa áo. Dù cửa hàng 0 đồng, nhưng ở đây chan hòa tình người, mọi người niềm nở với nhau, tôi nghĩ ai đến đây cũng sẽ có cảm giác được trân trọng.” – chị Vân nghẹn ngào.
“Áo dài 0 đồng” tiếp tục lan tỏa
Cửa hàng không nhận quyên góp tiền mặt, chị Nguyệt và gia đình có kinh phí bao nhiêu sẽ làm bấy nhiêu. Suốt một năm hoạt động, cửa hàng “Áo dài 0 đồng” của chị Nguyệt đã trao gần 6.000 bộ áo dài miễn phí đến với bà con gần xa có nhu cầu sử dụng.
Mong rằng với sự giúp đỡ, sẻ chia từ cộng đồng sẽ góp phần tạo động lực cho “Áo dài 0 đồng” tiếp tục lan tỏa giá trị tình người tốt đẹp.
Bà TRẦN HỒ THỊ TRANG,
Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trường Thọ, TP Thủ Đức