Nhà kinh doanh nói 'bó tay' với quy định phòng cháy chữa cháy

(PLO)- Dù có công văn tháo gỡ, khắc phục những tồn tại vướng mắc về PCCC trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng doanh nghiệp vẫn lo sợ bởi những tháo gỡ này chỉ mang tính tạm thời mà chưa được luật hóa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Nhà kinh doanh nói 'bó tay' với quy định phòng cháy chữa cháy

Ngày 21-4, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức Hội nghị Hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hội nghị Hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: THU HÀ

Hội nghị Hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: THU HÀ

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong quy định PCCC

Tại tọa đàm, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó phòng Cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ, Công an TP.HCM cho biết, chỉ trong giai đoạn 2020-2022 đã có 3 lần điều chỉnh quy chuẩn về PCCC.

"Chúng tôi là cơ quan quản lý trực tiếp, thường xuyên làm việc, mà hệ thống quy chuẩn ban hành liên tục như vậy còn khó cập nhật, chứ đừng nói đến đơn vị tư vấn thiết kế thi công", Đại tá Quan nói.

Theo đó với công văn 1091/C07-P3,P4,P7 năm 2023 (gọi tắt công văn 1091) về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn PCCC đã đưa ra một số điểm mới trong quy chuẩn tiêu chuẩn xét duyệt PCCC cho các doanh nghiệp hiện nay.

Đơn cử đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn thời điểm đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh. Khuyến khích áp dụng phiên bản quy chuẩn mới, nếu điều đó có lợi cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn tháo gỡ cho loại hình nhà phố chuyển công năng qua dịch vụ kinh doanh. Theo đó nếu nhà phố có quy mô nhỏ được trang bị hệ thống Sprinkler (đầu phun nước chữa cháy), số người mỗi tầng không quá 20 người thì cho phép một lối thoát nạn, thay vì là hai lối như quy chuẩn mới.

Đặc biệt trong công văn lần này, theo ông Quan, đối với việc thẩm định vật liệu xây dựng như vật liệu chống cháy… sẽ chuyển qua thẩm định đầu nguồn tức ở phía nhà sản xuất và thẩm định theo lô, chứ không kiểm định ở đơn vị thi công. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, và rút ngắn thời gian kiểm định.

Doanh nghiệp vẫn phập phồng lo lắng

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA nhìn nhận, công văn 1091 lần này đã có nhiều điểm mới và quan trọng. Theo đó cơ quan quản lý đã có sự lắng nghe đồng cảm và chia sẻ với doanh nghiệp trong việc sẽ hạn chế đình chỉ và tạm đình chỉ doanh nghiệp.

Thứ hai, việc áp dụng các quy chuẩn PCCC sẽ được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp xây dựng và thứ ba là sự linh động một số giải pháp thay thế khắc phục hiện trạng PCCC.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THU HÀ

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THU HÀ

Ông Hòa cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên lựa chọn đơn vị thiết kế thi công chất lượng, nắm rõ quy định về PCCC.

“Hiện nay PC07 đã có tổ công tác đặc biệt để giải quyết khó khăn trong vấn đề PCCC cho doanh nghiệp, chính vì vậy khi gặp khó hãy liên hệ tổ công tác, hotline thay vì chúng ta nghe theo đơn vị thiết kế, tránh tình trạng xây rồi đập, tốn chi phí”- chủ tịch HUBA nói.

Dẫu vậy, sau khi lắng nghe những khó khăn của hàng trăm doanh nghiệp gửi tới hiệp hội, bà Bà Lý Kim Chi, Phó chủ tịch HUBA, cho rằng dù được gỡ khó một số điểm trong PCCC nhưng doanh nghiệp vẫn phập phồng lo lắng. Bởi hiện nay văn bản này vẫn chỉ mang tính nội bộ ngành, trong khi đó nếu sau này đi vào Luật hóa lỡ có thay đổi, doanh nghiệp không biết xoay sở làm sao.

Một doanh nghiệp bày tỏ khó khăn về chi phí khi thực hiện đúng quy định PCCC. Ảnh: Thu Hà

Một doanh nghiệp bày tỏ khó khăn về chi phí khi thực hiện đúng quy định PCCC. Ảnh: Thu Hà

“Với tư cách là đại diện cho doanh nghiệp tôi không thể nào yên tâm bởi đây như biện pháp “chữa cháy” trong giai đoạn này. Về lâu dài vẫn cần sửa đổi các Thông tư để không gây khó cho doanh nghiệp.

Những tháo gỡ này hiện chỉ dừng ở những doanh nghiệp đã xây dựng trước đó, với doanh nghiệp xây mới nếu thực hiện theo Thông tư 06 thì chi phí quá cao, ngay cả doanh nghiệp nước ngoài cũng "lắc đầu". Chưa kể một số quy định, quy chuẩn không thực sự cần thiết, có giải pháp thay thế tiết kiệm, hiệu quả hơn”- bà Chi nhấn mạnh.

Bà Chi cũng nhìn nhận với những quy chuẩn PCCC mới đến các doanh nghiệp nước ngoài tiên tiến nhất cũng bó tay.

Trước những lo lắng này, đại tá Huỳnh Ngọc Quan cho biết sẽ tiếp thu và ghi nhận để cùng các cơ quan chuyên môn tiến tới việc sớm sửa đổi các điều khoản trong quy định PCCC, trên tinh thần phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp, sao cho việc tiếp cận PCCC có thể phù hợp cho mọi doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm