Ngày 18-5, Học viện Cán bộ TP.HCM, Cơ quan thường trực tạp chí Cộng Sản tại miền Nam, đã tổ chức hội thảo khoa học “Thí điểm cơ chế, chính sách mới vượt tại TP.HCM”.
Gỡ việc công văn đi lòng vòng
Tại hội thảo, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, cho rằng điểm nghẽn của Nghị quyết 54/2017 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM khiến TP phát triển chưa đúng như mong đợi là nằm ở sự phối hợp giữa TP với các bộ, ngành trung ương.
“Điểm nghẽn của TP là việc công văn, đề xuất đi lòng vòng 6-7 tháng mới đến bàn của Thủ tướng” - TS Nguyên nói và cho rằng TP nên đề xuất cơ chế thuộc về thủ tục.
Ông giải thích: Khi TP.HCM đề xuất vấn đề gì thì các bộ, ngành trung ương trong thời gian nhất định phải trả lời ngay, nếu quá thời gian đó mà không trả lời thì TP.HCM có quyền thực hiện. Bởi nếu thời gian, thủ tục bị lãng phí thì TP.HCM khó có thể thực hiện được các nhiệm vụ.
TS Nguyên nhìn nhận TP.HCM dù phát triển mạnh mẽ nhưng cũng không thể đi một mình mà phải nằm trong sự tương quan với 62 tỉnh, TP còn lại. “TP.HCM muốn là đầu tàu thì bản thân phải phát huy sức mạnh nội tại, sinh ra đủ lực mạnh để kéo các toa khác chứ không phải đầu tàu là chạy một mình” - TS Nguyên nói.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TIẾN NGÔ |
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhìn nhận để tạo điều kiện cho đầu tàu kinh tế phát triển thì phải tháo gỡ về thể chế, pháp luật. Bởi pháp luật hiện nay quá chồng chéo, vừa chung chung vừa xung đột.
“Cùng với chính sách pháp luật, nhiều văn bản dưới luật còn rối rắm hơn nữa, nhất là những quy định liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản lại quá nặng nề, nhiêu khê” - bà Thảo phân tích và cho rằng vấn đề này đang nặng nề xin - cho, “ôm về trên”. Từ đó bà đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh hơn, tạo sự chủ động cho địa phương nhiều hơn với trách nhiệm cao hơn.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo khẳng định nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cần đảm bảo nguyên tắc “chuyện cũ phải gỡ nhanh, chuyện mới phải kiến tạo, đề xuất”. Song song đó, trong nghị quyết mới “cái nào Nghị quyết 54 còn dùng được thì tiếp tục, cái gì các tỉnh khác đã xin, cái gì dự án luật đang dự thảo, có nhiều nội dung cho TP thí điểm thì cũng đưa vào cùng với những đề xuất từ thực tiễn TP”.
TP.HCM mong được chủ động về biên chế
TS Huỳnh Thành Lập, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho hay từ thực tiễn đã chứng minh Nghị quyết 54 thí điểm tại TP có hiệu quả, là quyết sách kịp thời tạo không gian cho TP phát triển, phát huy tính năng động, sáng tạo.
Trong đó, tiến độ dự án nhóm A nhanh hơn, phát hành được trái phiếu chính quyền địa phương bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển... So với năm 2010, đến giờ này quy mô kinh tế của TP tăng gấp 2,7 lần, GRDP tăng gấp đôi, thu ngân sách của TP chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước… “Chúng ta phải nói rõ để Quốc hội chia sẻ, để thấy được sự cống hiến của TP.HCM đối với cả nước” - TS Lập nói.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TIẾN NGÔ |
Tuy nhiên, theo ông, cái khó của TP.HCM hiện nay cần gỡ là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Chẳng hạn, bình quân cả nước một cán bộ phục vụ 71 người dân thì tại TP.HCM con số này là 118 người dân. Chúng ta tha thiết kiến nghị trung ương xem xét biên chế cho TP.HCM theo dân số, không cào bằng giữa các đơn vị mà căn cứ đặc điểm, tình hình từng nơi. Hãy giao cho TP sự chủ động về biên chế để có đủ người làm.
TP.HCM cũng cần có các dự án đột phá như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn… Do vậy, trung ương cần phân quyền về cho HĐND TP, UBND TP làm và phải có các dự án trong tay.
Trong xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, chúng ta cần dựa theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết 54 và cơ sở thực tiễn để đòi hỏi chính sách vượt trội, để có bước đột phá mới, có ý nghĩa to lớn, đặc biệt, không chỉ cho riêng TP.HCM mà còn vì cả nước.
Xác định rõ những lĩnh vực cần cơ chế vượt trội
Những thành tựu mà TP.HCM đã đạt được trong thời gian qua đã phần nào thể hiện được vai trò của Nghị quyết 54. Dự báo những thách thức đang và sẽ đặt ra đối với sự phát triển của TP, nghị quyết mới cần xác định những lĩnh vực, nội dung quan trọng cần có các cơ chế, chính sách vượt trội.
Cụ thể là quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học…
Đồng thời cần quan tâm tạo lập cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các mô hình mới như chính quyền đô thị, trung tâm tài chính quốc tế, đô thị tương tác cao, phát triển kinh tế số…
PGS-TS NGUYỄN TẤN PHÁT,Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM