Từ hôm nay, 15-10, đường Nguyễn Văn Bình sẽ trở thành Đường sách TP.HCM. Sau lễ khởi công, các cột điện và dây điện, cáp trên con đường này sẽ được di dời trả lại không gian me xanh cho đường sách. Dự kiến đến ngày 23-11, đường sách sẽ chính thức đi vào hoạt động với 20 gian hàng của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách.
Hãy đến “đặt hàng” cho các nhà làm sách
Tại lễ khởi công, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết: “Đường sách được xây dựng với mục tiêu là sân chơi của người làm sách, người đọc sách… nên rất chú trọng đến nội dung của đường sách. Nội dung đường sách làm sao phải tạo được không gian văn hóa cho người làm sách, từ đó kết nối với bạn đọc. Chúng tôi cũng mong bạn đọc đến đây trao đổi và “đặt hàng” với ban tổ chức lẫn các đơn vị làm sách về những điều mình mong muốn có ở đường sách, ở các đầu sách và các xuất bản phẩm…”.
Đại diện các đơn vị phát hành sách tại TP.HCM, bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) TP.HCM, chia sẻ: “Đường sách Nguyễn Văn Bình là ý tưởng, nguyện vọng của những người làm xuất bản, in, phát hành về một không gian độc đáo, một địa điểm ổn định lâu dài cho việc phát triển văn hóa đọc; tạo sự gắn kết giữa sách, người làm sách và bạn đọc”.
Bà Thủy cũng nhấn mạnh việc đường sách sẽ là nơi giao dịch tác quyền, kinh doanh xuất bản phẩm và qua đường sách sẽ góp phần hình thành thêm một điểm sáng văn hóa, du lịch nâng cao dân trí, phục vụ cộng đồng”.
Hiện thông tin từ ban tổ chức cho biết sẽ có 20 gian hàng của các đơn vị phát hành, NXB… nhưng chưa cụ thể đơn vị nào.
Bốn tiêu chí cho các nhà xuất bản
Trước đó, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản phụ trách Văn phòng phía Nam, thành viên Ban quản lý dự án Đường sách, đã có chia sẻ với Pháp Luật TP.HCMvề những tiêu chí chọn các NXB, đơn vị phát hành sách tham gia đường sách.
“Đây là đường sách của TP.HCM vì thế phải mang đậm tính chất của TP là năng động, phát triển. TP.HCM cũng có những sắc thái riêng của nó nên đường sách phải thể hiện đầy đủ tính chất đó. Những đơn vị tham gia đường sách là những NXB, công ty làm sách, cũng phải đảm bảo được phục vụ cho đặc trưng trên” - ông Lê Hoàng nói.
Cụ thể, các NXB, công ty làm sách… phải đáp ứng được bốn tiêu chí: Thứ nhất, những NXB, công ty sách có bề dày, có uy tín thương hiệu để đảm bảo là nơi cung cấp tác phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu phát triển của TP và đất nước.
Thứ hai, phải là đơn vị có năng lực tổ chức các hoạt động như có năng lực tổ chức giới thiệu, giao lưu tôn vinh tác phẩm hoặc tạo ra sự kiện về sách trên đường sách, từ đó mới mong tạo không gian văn hóa đọc.
Thứ ba, đó là những đơn vị có năng lực tổ chức có tầm vóc để làm không gian đường sách. Cụ thể tại mỗi gian hàng được bày biện hiện đại văn minh, nhân viên phục vụ lịch sự văn hóa, tuân thủ pháp luật… để các gian hàng này đảm bảo được bày bán những sách chính thống có chất lượng chứ không phải bán sách hạ giá theo chợ xôn.
Và cuối cùng, các đơn vị đó phải có những ấn phẩm phù hợp giới trẻ, du lịch… bởi đường sách là nơi giao lưu khách trong nước, nước ngoài đến TP và Việt Nam nên cần phải có ấn phẩm phục vụ cho du lịch, tìm hiểu về văn hóa con người Việt Nam. Đây cũng là nơi bạn đọc trẻ nhiều phải chọn NXB có thế mạnh dành cho đối tượng trẻ.
Các đơn vị sẽ góp tiền hằng tháng
“Hiện tại ngân sách nhà nước cho Đường sách TP.HCM sẽ dùng để phục vụ cho những hoạt động văn hóa đọc gắn với ngày lễ, sự kiện chính trị của TP và cả nước. Còn hoạt động của các gian hàng và tổng chi phí đầu tư của đường sách phải xã hội hóa. Tổng chi phí đầu tư sẽ gồm chi phí thi công thiết kế cổng chào, điện, mạng Internet, gian hàng, ánh sáng, các tiểu cảnh cho không gian sinh động… Tổng chi phí đó sẽ phân bổ ra các gian hàng. Các đơn vị xuất bản khi tham gia đồng ý hoạt động ở đây phải bỏ ra chi phí này để đầu tư cho các hạng mục đó” - ông Lê Hoàng chia sẻ.
Từ hôm nay, 15-10, đường Nguyễn Văn Bình sẽ trở thành Đường sách TP.HCM. Sau lễ khởi công, các cột điện và dây điện, cáp trên con đường này sẽ được di dời trả lại không gian me xanh cho đường sách. Ảnh: QUỲNH TRANG
Cũng theo ông Lê Hoàng, khi đi vào hoạt động đường sách sẽ có một công ty TNHH do Hội xuất bản Việt Nam thành lập điều hành hoạt động đường sách. Công ty này vận hành trên cơ sở phí đóng góp hằng tháng của các gian hàng. Phí hằng tháng đó phục vụ cho điều hành hoạt động đường sách như: Tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, mạng lưới bảo vệ, vệ sinh… nhằm đảm bảo sự vận hành đường sách đúng với định hướng và phát triển.
Bên cạnh các gian hàng, các hoạt động giao lưu, quảng bá sách thì Đường sách TP.HCM cũng sẽ có chợ phiên về sách theo từng chuyên đề.