Viện trưởng VKSND Tối cao: Tạo điều kiện khắc phục sai phạm, giảm xử lý hình sự

(PLO)- Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).

Tham luận tại hội nghị, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị một mặt phải xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng để răn đe, giáo dục. Đồng thời, ban hành, bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về quản lý và chế tài, trách nhiệm trong quản lý, nhất là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ tham nhũng, tiêu cực, nhằm bịt các lỗ hổng để không thể lợi dụng được.

Viện trưởng cũng đề nghị cần ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo; phải đảm bảo các quy định, hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện.

Lý do, nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ có tâm lý lo sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ. Vì thực tế cố ý làm trái và năng động sáng tạo, hành vi làm giống nhau, chỉ khác là hậu quả hay hiệu quả.

Ông Trí nhắc lại tại kỳ họp Quốc hội mới đây, ông đã nêu những bất cập của điều 219 Bộ luật hình sự 2015 quy định về trách nhiệm của người cán bộ quản lý tài sản công.

Cụ thể, quy định này rất rủi ro cho người thực hiện và lằn ranh đúng - sai rất mong manh. Do đó, ông kiến nghị sớm có chỉ đạo rà soát để tạo sự đồng bộ, thống nhất, đầy đủ hơn trong hệ thống pháp luật, để đảm bảo hai yêu cầu kỷ cương chặt chẽ và có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro, từ đó tạo động lực phát triển.

Vẫn theo ông Trí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là phức tạp nên cần đồng bộ trong quan điểm, chủ trương, nhận thức, cách làm, thậm chí dám thay đổi, bổ sung quan điểm, cách làm mới để đạt được hiệu quả tốt hơn.

Trong đó, làm sao thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát, khắc phục hậu quả tốt hơn nữa, đồng thời tăng tính phòng ngừa, giảm xử lý hình sự với người vi phạm, khi đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thành công hơn.

Dẫn kinh nghiệm thực tế từ Trung Quốc cho phép các trường hợp sai phạm khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương cho chủ trương nghiên cứu, làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.

Như vậy sẽ thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng và việc khắc phục hậu quả sẽ được nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm