Việt Nam bán xi măng thô sang Trung Quốc nhiều nhất nhưng vẫn gặp khó

(PLO)- Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, từ đầu năm 2023 thuế xuất khẩu của mặt hàng này tăng từ 5% lên 10% khiến DN vô cùng khó khăn do không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế

Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, trong hai tháng đầu năm xuất khẩu vật liệu xây dựng sang Trung Quốc ảm đạm do thị trường bất động sản nước này chưa hồi phục hoàn toàn.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc đạt 3,4 triệu USD, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam, cho biết riêng xuất khẩu clinker (xi măng dạng thô) của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm nhiều nhất trên thế giới.

Đơn cử năm 2021, Việt Nam xuất khẩu ra các nước khoảng 40 triệu tấn clinker, riêng thị trường Trung Quốc là 30 triệu tấn. Rõ ràng thị trường Trung Quốc nhìn nhận hàng Việt Nam chất lượng, giá thành cạnh tranh.

Tuy nhiên, ông Cung nhìn nhận năm 2023 xuất khẩu clinker dự báo tiếp tục khó khăn khi nhu cầu xây dựng của thị trường Trung Quốc chưa khởi sắc.

Quận 10 vừa ra mắt phố chuyên bán vật liệu xây dựng. ẢNH: TÚ UYÊN

Song song đó, dù giá clinker xuất khẩu không tăng nhưng từ đầu năm 2023 thuế xuất khẩu của mặt hàng này tăng từ 5% lên 10% khiến DN vô cùng khó khăn do không đủ bù đắp chi phí sản xuất và thuế.

Bên cạnh đó, ông Cung cho biết, đặc biệt sau “zero COVID-19”, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây phát triển mạnh hơn.

Ngành xi măng Việt Nam đánh giá cao công nghệ mới của Trung Quốc. Hơn nữa, ngày càng nhiều các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sang Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm như Vietbulit...

Đáng chú ý, trước đây DN Trung Quốc chủ yếu mang hàng hóa như gạch, ngói, lavobo...tham gia triển lãm, nhưng hết hội chợ là về. Tuy nhiên, hiện nay các DN Trung Quốc sang triển lãm mang đến chủ yếu công nghệ. Đồng thời, có xu hướng đầu tư ngay tại Việt Nam để sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tận dụng thế mạnh của Việt Nam về nguồn lực con người…

“Do đó, quan điểm hợp tác của DN Trung Quốc với DN Việt Nam đã thay đổi, lấy công nghệ, bảo vệ môi trường là mục tiêu. Đây chính là sự hợp tác bền vững và Việt Nam sẵn sàng đón nhận các đầu tư từ Trung Quốc” - ông Cung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới