TP.HCM: Lý do trứng gia cầm bình ổn giá chỉ giao được 40% nhu cầu của siêu thị

(PLO)- Sở Công thương TP.HCM khẳng định hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường nói chung và trứng gia cầm nói riêng không thiếu để cung ứng cho người dân. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Chúng tôi tự tin tuyên bố chính thức hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường nói chung và trứng gia cầm bình ổn nói riêng không thiếu”. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM tại buổi họp báo định kỳ quý II tổ chức chiều 9-6.

Ông Phương cho biết, thời gian qua do ảnh hưởng dịch COVID-19 chuỗi cung ứng trên thế giới chứ không riêng Việt Nam đứt gãy cùng với cuộc xung đột Nga-Ukraine xăng dầu liên tục tăng. Tình hình này dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN) tăng cao, chắc chắn các DN, người chăn nuôi cũng chịu tác động.

Sở Công Thương cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí vận chuyển tăng…các yếu tố quan trọng của đầu vào tăng nhưng giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn không tăng.

Giá trứng ngoài chợ đang cao hơn giá trứng bình ổn. ẢNH: TÚ UYÊN

Giá trứng ngoài chợ đang cao hơn giá trứng bình ổn. ẢNH: TÚ UYÊN

Theo ông Phương, khi giá trứng bình ổn không tăng thì giá trứng bên ngoài khó tăng vì DN bình ổn cung ứng lượng khá lớn, có khả năng chi phối thị trường. Điều này dẫn đến các DN sản xuất đặc biệt DN chăn nuôi nhìn vào giá trứng hiện tại cũng như sắp để tính toán tái đàn, tái đầu tư thì với chi phí đầu vào tăng liên tục, giá bình ổn không tăng thì nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi không cao.

Bên cạnh đó, trước chi phí đầu vào tăng cao chỉ DN nào quan lý tốt mới mạnh dạn tái đầu tư, tái đàn, nếu DN nào quản lý không tốt chi phí sản xuất cao sẽ khó tái đàn.

“Nếu trường hợp người chăn nuôi không tái đàn khả năng nguồn cung tới đây sẽ giảm, bắt buộc giá trứng tăng cao theo quy luật thị trường. Chúng tôi cùng Sở Tài chính, các sở ngành tham mưu TP giải pháp điều chỉnh giá trứng gia cầm làm sao hỗ trợ cho nhà sản xuất người chăn nuôi yên tâm tái đàn, tái đầu tư mức giá điều chình phù hợp với sự chấp nhận của người tiêu dùng” -ông Phương nói.

Một DN bán lẻ cho biết, vừa qua khi đặt đơn hàng trứng gia cầm bình ổn các nhà cung cấp chỉ giao được 40% so với nhu cầu và giao cầm chừng. Lí do các nhà cung cấp đưa ra do xăng dầu tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng…dẫn đến chi phí đầu vào của DN tăng nên nếu càng bán nhiều. Với giá bình ổn như đã đăng ký thì nhà cung cấp sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là lỗ.

Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, hiện nay hệ thống phân phối đăng kí số lượng trứng bình ổn gấp bốn, năm lần so với bình thường. Tuy nhiên, DN bình ổn chỉ đáp ứng được hai, ba lần so với nhu cầu. Nguyên nhân do giá trứng bình ổn thấp hơn so với giá cả ngoài thị trường.

Theo ông Thiện, nếu giá trứng gà, trứng vịt bình ổn không được điều chỉnh, việc chênh lệch giá này kéo dài sẽ gây ra thiếu nguồn cung trầm trọng.

Trứng gà, trứng vịt bình ổn không còn nhiều trên kệ hàng của cửa hàng tiện ích. ẢNH: TÚ UYÊN
Trứng gà, trứng vịt bình ổn không còn nhiều trên kệ hàng của cửa hàng tiện ích. ẢNH: TÚ UYÊN

Ông Thiện lí giải, vì giá bình ổn dẫn dắt thị trường trong khi tất cả chi phí đầu vào đều tăng nhưng giá trứng cứ “bình ổn” khiến người chăn nuôi nản lòng, không dám tái đàn nhiều, thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ treo chuồng.

"Nếu giá trứng bình ổn không được điều chỉnh kịp thời, sáu tháng sau cung-cầu trứng gia cầm sẽ thiếu nghiêm trọng. Đơn cử những trại liên kết với công ty quy mô đã giảm 50%”- ông Thiện chia sẻ.

Theo ông Thiện, nếu giá trứng gia cầm bình ổn được điều chỉnh tăng như đề nghị của các DN là 2.000 đồng/vỉ, giá trứng gà 31.500 đồng/vỉ, trứng vịt 37.000 đồng/vỉ vẫn thấp hơn thị trường 10%. Đây cũng là động thái nhằm chia sẻ với DN, người chăn nuôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm