Máy bay C-295 Gunship không thực sự phù hợp với điều kiện Việt Nam |
Theo nguồn tin từ Tạp chí Jane’s Defence Weekly, Việt Nam đã kí một hợp đồng trị giá 100 triệu USD với Airbus Defence and Space để đặt mua 3 máy bay vận tải quân sự C-295 nhằm thay thế một phần đội bay An-26 đã cũ.
Được phát triển từ thập niên 1990, các máy bay C-295 được thiết kế cho nhiệm vụ vận tải hàng hóa, binh lính, trang thiết bị quân sự ... Đây là sự phát triển của chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ CN-235 (hợp tác giữa Tây Ban Nha và Indonesia), với chiều dài phần thân được kéo dài lên khoảng 24,5m.
Khác với CN-235, C-295 sử dụng hai động cơ turbine cánh quạt Pratt & Whitney PW127G. C-295 có trọng lượng cất cánh tối đa 23,2 tấn, chở được tối đa 9,25 tấn hàng hóa. Khoang máy bay có thể chở được 48 lính dù hoặc 75 lính thường hoặc 27 cáng cứu thương đi kèm 4 nhân viên y tế. Khi mang đầy tải, máy bay có tầm hoạt động 1.300km, con số này tăng lên 4.600km khi chỉ mang 1/3 tải. Tốc độ bay là 576km/h, trần bay là 9,1km.
Ưu thế của C-295 là khả năng cất hạ cánh với đường băng ngắn (670m để cất cánh và 320m để hạ cánh). Với khả năng đó, trong tương lai không xa, C-295 có thể thực hiện nhiệm vụ vận tải chi viện cho quần đảo Trường Sa.
Ngoài phiên bản vận tải, còn có các phiên bản máy bay tuần tra hàng hải và săn ngầm C-295 MPA Persuader và phiên bản máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không C-295 AEW&C, hay phiên bản hỗ trợ hỏa lực đường không C-295 Gunship...
Máy bay vận tải C-295 |
Đối với các quốc gia có tiềm lực kinh tế và ngân sách quốc phòng còn hạn chế như Việt Nam, để tối ưu hóa và giảm thiểu thời gian, chi phí cũng như cơ sở vật chất hậu cần, bảo dưỡng... thường có xu hướng sử dụng chung một khung thân máy bay cho nhiều nhiệm vụ. Rất có thể, sau máy bay vận tải C-295, Việt Nam sẽ tiếp tục lựa chọn các phiên bản tuần tra hàng hải - chống ngầm và cảnh báo sớm - chỉ huy trên không để hiện đại hóa lực lượng không quân của mình.
C-295 MPA (Maritime Patrol Aircraft - Máy bay tuần tra hàng hải) là phiên bản tuần tra biển - chống ngầm của dòng C-295, với hệ thống điện tử rất tiên tiến, gồm các cảm biến địa vật lí, các hệ thống trực kế hướng (AHRS), hệ thống dữ liệu hàng không (ADS), hệ thống quản lí bay (FMS) và hệ thống lái tự động. Tất cả các thông tin được hiển thị trên bốn màn hình tinh thể lỏng.
Để thực hiện nhiệm vụ, C-295 MPA Persuader được trang bị các radar trinh sát, hệ thống trinh sát quang điện/hồng ngoại (EO/IR), hệ thống trinh sát điện tử (ESM), một máy dò dị thường từ (MAD), một hệ thống nhận diện địch - ta (IFF) và các hệ thống thông tin liên lạc qua vệ tinh SATCOM. Các hệ thống phụ khác bao gồm hệ thống thủy âm, hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và hệ thống phát hiện ô nhiễm biển.
Để thực hiện nhiệm vụ chống ngầm và chống hạm nổi, C-295 MPA có 6 mấu cứng dưới cánh để mang ngư lôi, tên lửa diệt hạm, thủy lôi hoặc bom chìm. Với động cơ 2.645 mã lực, C-295 MPA Persuader có thể hoạt động liên tục 11 giờ, tầm bay tối đa 5.630km, độ cao hoạt động bình thường là 7.620m.
Phiên bản C-295 AEW&C |
Trên thế giới, C-295 MPA Persuader đã có mặt trong biên chế hải quân Chile (3 chiếc), Oman (3 chiếc). Trước khi mua các máy bay C-295, Việt Nam đã đặt mua và tiếp nhận 3 chiếc máy bay tuần tra biển hạng nhẹ CASA C-212-400 và trang bị cho Cảnh sát biển. Đây cũng là một loại máy bay tuần tra biển do Airbus Military sản xuất, được trang bị radar Slar và hệ thống cảm biến ảnh nhiệt Safire II. Dựa trên cơ sở những chiếc CASA C-212-400, Việt Nam rất có thể sẽ xem xét mua thêm máy bay C-295 MPA Persuader để trang bị cho Không quân hoặc không quân hải quân.
Trong khi đó, phiên bản cảnh báo sớm và chỉ huy trên không C-295 AEW&C lại là sự hợp tác giữa Airbus Military và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Isarel (IAI). Máy bay được trang bị radar mạng pha điện tử chủ động thế hệ 4 do ELTA (công ti con của IAI) chế tạo. C-295 AEW&C có thể đảm nhiệm việc trinh sát, phát hiện sớm mục tiêu trên không và trên mặt biển, dẫn bắn cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu ... Đây chính là loại máy bay mà Việt Nam đang thiếu, để đảm bảo mối liên kết và khả năng hợp đồng tác chiến giữa các quân binh chủng. Với C-295 AEW&C, các biên đội máy bay chiến đấu, các tàu tên lửa cao tốc, các tiểu đoàn tên lửa bờ biển Việt Nam ... sẽ được đặt trong thế trận chung liên hoàn và chặt chẽ. Các mục tiêu sẽ được phát hiện sớm và kịp thời, tầm hoạt động của vũ khí được tăng cường, sức mạnh của không quân và hải quân Việt Nam sẽ tăng thêm rất nhiều.
Dĩ nhiên, việc phối hợp giữa một loại máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy của phương Tây với các vũ khí do Nga/Liên Xô cũ sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng đó là thử thách mà bất cứ quốc gia nào cũng sẽ gặp phải trên chặng đường hiện đại hóa quân đội. Các kĩ sư quân sự Isarel cũng đã có kinh nghiệm tích hợp các hệ thống vũ khí của Nga/Liên Xô cũ với các khí tài phương Tây, và các kĩ sư quân sự Việt Nam cũng đã có những kinh nghiệm nhất định trong việc khai thác và bảo dưỡng các trang bị điện tử, radar đến từ Isarel.
Đoàn Đại biểu quân sự Việt Nam tham quan máy bay C-295 AEW&C |
Tuy nhiên, khác với phiên bản C-295 vận tải và C-295 MPA tuần tra biển - chống ngầm, các máy bay C-295 AEW&C còn khá mới mẻ và chưa nằm trong biên chế của lực lượng không quân nào. Với tiềm lực kinh tế hạn hẹp, Việt Nam ít khi liều lĩnh đặt cược vào các sản phẩm mới, mà chủ yếu sử dụng các vũ khí đã qua kiểm định. Đây sẽ là khó khăn cho C-295 AEW&C trên đường “về” với Không quân Nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra, C-295 còn có phiên bản yểm trợ hỏa lực đường không (Gunship) mang tên lửa đối đất, rocket 70mm và pháo bắn nhanh 30mm ... Song kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cho thấy: Các máy bay hỗ trợ hỏa lực đường không như AC-130 trước đây hay C-295 Gunship hiện nay chỉ hoạt động hiệu quả ở những khu vực mà hỏa lực phòng không của đối phương yếu (ví dụ như đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ). Việc sở hữu những máy bay như C-295 Gunship - trong điều kiện Việt Nam - là không phù hợp.
Dù vậy, trên đây chỉ là những phỏng đoán. Chúng ta hãy cùng chờ đợi những bước phát triển mới trên chặng đường tiến lên hiện đại của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Theo Thanh Hoa/Infonet