Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 23-3, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã bày tỏ quan điểm về báo cáo nhân quyền năm 2022 của Mỹ.
Báo cáo nhận định thiếu khách quan
Trước đó, hôm 20-3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022, cho rằng một số quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam đã vi phạm nhân quyền có hệ thống.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: NGUYỄN HỒNG. |
Bình luận về báo cáo này, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng bày tỏ việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam.
"Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam” - Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Bà Hằng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. "Các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cũng như triển khai trong thực tiễn" - bà Hằng nói.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, nỗ lực nâng cao đời sống và quyền thụ hưởng của người dân, cũng như không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn và cởi mở trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn khác biệt để tăng cường hiểu biết, cũng như đóng góp vào phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước" - bà Hằng cho biết.
Quan hệ Việt Nam và Mỹ đã phát triển sâu rộng
Trả lời câu hỏi của phóng viên về kỳ vọng phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ: Sau 10 năm thiết lập, mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và Mỹ đã phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên ba bình diện gồm song phương, khu vực và quốc tế. Hai nước duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, trao đổi đoàn ở các ngành, các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao.
Trong các tuyên bố chung và buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thì Việt Nam và Mỹ cùng nhất quán khẳng định việc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước. Mỹ nhiều lần khẳng định ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Bà Phạm Thu Hằng cũng thông tin Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỉ USD và Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 8 của Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỉ USD, Mỹ hiện đứng thứ 11 trong số những nước đầu tư trực tiếp tại Việt Nam và các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Vừa qua, đoàn doanh nghiệp rất lớn của Mỹ đã đến thăm Việt Nam.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đầu tư, trong các lĩnh vực khác như ứng phó với dịch bệnh COVID-19, phục hồi sau đại dịch, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường, hai bên cũng có những tiến triển hết sức tích cực.
Mỹ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, liên quan đến phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.
"Với những kết quả nêu trên, chúng tôi sẵn sàng và mong muốn hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới" - Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng tuyên bố.