Thông tin trên được GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế…” diễn ra ngày 12-6 tại Hà Nội.
Ông Thiệp cho biết, theo số liệu nghiên cứu về xếp hạng chất lượng ĐH thế giới (ARWU) do Đại học Thượng Hải triển khai năm 2018, trong tốp 100 trường ĐH tốt nhất thế giới, Hoa Kỳ dẫn đầu với 46 trường, tiếp theo là Anh với tám trường, Úc sáu trường, Thụy Sĩ năm trường và Nga một trường. Riêng trong tốp 1.000 trường ĐH thế giới, Việt Nam vẫn chưa lọt vào tốp này.
Theo ông Thiệp, có hai nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên. Một là Việt Nam đang tách rời giữa hệ thống các trường ĐH và các viện nghiên cứu lớn. Hai là hiện Việt Nam không có trường ĐH nào theo mô hình ĐH đa lĩnh vực thực sự.
"Tại Hoa Kỳ, các viện nghiên cứu nằm trong các trường ĐH, các trung tâm nghiên cứu đặc biệt như NASA vẫn tận dụng nhân lực ĐH. Thế nhưng ở những nước như Liên Xô, Việt Nam lại tách rời viện nghiên cứu và các trường ĐH, do đó kinh phí nghiên cứu phần lớn rót về các viện nghiên cứu, sinh viên ĐH không được tham gia nghiên cứu", ông Thiệp dẫn chứng.
Ông Thiệp cho biết thêm, từ thập niên 1990, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cố gắng sáp nhập hai hệ thống là viện nghiên cứu và các trường ĐH nhưng thất bại. Năm 2012 lại đổi tên các viện nghiên cứu lớn thành Viện Hàn lâm rập khuôn theo Liên Xô cũ.
Dẫn chứng về bài học từ Trung Quốc, ông Thiệp cho biết trước cải cách mở cửa, giáo dục ĐH Trung Quốc cũng theo mô hình của Liên Xô. Tuy nhiên từ sau khi đổi mới, Trung Quốc tập trung xây dựng các trường ĐH hàng đầu như ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa... theo hướng đa lĩnh vực, tăng cường nghiên cứu và công bố quốc tế, đào tạo theo hướng giáo dục khai phóng thì chất lượng giáo dục ĐH đã có bước phát triển vượt bậc. Họ lần lượt lọt vào tốp 1.000 trường ĐH thế giới (123 trường), tốp 200 (12 trường), tốp 100 (ba trường).
Do đó, muốn Việt Nam sớm có trường đại học đẳng cấp thế giới, ông Thiệp cho rằng Việt Nam cần kết hợp chặt chẽ hệ thống các trường ĐH và các viện nghiên cứu lớn, xây dựng những trường ĐH đa lĩnh vực thực sự.