Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai” diễn ra sáng 15-4, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP.HCM nói: Trong năm 2021 vừa trải qua một biến cố lớn là đại dịch COVID-19, gây tổn thất cả về kinh tế- xã hội và con người; tổn thất không chỉ về vật chất mà cả đời sống tinh thần của người dân.
Riêng tại TP.HCM, trong quý III-2021, kinh tế trên địa bàn giảm khoảng 25%, đến quý IV-2021 giảm 11,6%, làm tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm giảm 6,78%.
"Song đến nay đời sống kinh tế- xã hội TP đang khởi sắc và dần dần trở lại hoạt động bình thường. Quý I-2022, kinh tế TP.HCM đang lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng 1,88%, so với mức giảm 11,6% của quý IV-2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước.
Đại dịch COVID-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã và đang tác động thúc đẩy chuyển đổi số trên cả ba nội dung: chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số” - ông Nên cho biết.
Ông Alfonso Garcia Mora - Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, IFC, cho biết: Các công ty đã lập chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số từ rất sớm đã đạt được nhiều thành công hơn khi vượt qua đại dịch. Do đó, chuyển đổi kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công lâu dài của các tổ chức và khả năng chống lại các cú sốc của tổ chức.
Việt Nam đang nhanh chóng trỗi dậy trở thành một trung tâm sản xuất quốc tế. Tuy nhiên, chưa đến 20% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số, điều này về lâu dài có thể gây ra thách thức đối với việc hội nhập sâu hơn vào trong chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp.
"Việc tập trung vào các kỹ năng là điều bắt buộc. Tại Việt Nam, chỉ có 40% doanh nghiệp báo cáo có đủ kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để duy trì và sử dụng đầy đủ các hệ thống kỹ thuật số của họ, và sự thiếu hụt kỹ năng được dự báo sẽ lên tới 1 triệu lao động ICT vào năm 2023. Kỹ năng kỹ thuật số là chìa khóa để mở ra những cơ hội mà công nghệ có thể mang lại.
Tương lai của các thị trường mới nổi được viết bằng mã, chúng ta cần cung cấp cho những người trẻ những kỹ năng và công cụ mà họ cần để trở thành thế hệ tiếp theo của người sáng tạo kỹ thuật số và những doanh nhân công nghệ" - ông Alfonso.
Giáo sư Paul Cheung, Giám Đốc Viện Năng lực Cạnh tranh Châu Á (ACI) phân tích: Kinh tế số đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, và khu vực Đông Nam Á không phải là ngoại lệ.
Các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhấn mạnh việc tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại mỗi quốc gia. Giá trị nền kinh tế số tại ASEAN được kỳ vọng đạt hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế trong khu vực, để phục hồi và phát triển, kinh tế số được xác định là yếu tố tiềm năng thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch của các quốc gia trong khu vực.
Cụ thể, trong khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN đã vạch ra một nền tảng để khai thác nền kinh tế số như một phương tiện để phục hồi và tăng trưởng trong tương lai ở khu vực ASEAN.
"Là một đối tác của cả hai hiệp định thương mại kể trên, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các quy định pháp lý tinh gọn và được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thương mại. Google, Temasek và Bain đã ghi nhận khả năng phục hồi của nền kinh tế số tại Việt Nam với 8 triệu khách hàng số mới từ đầu năm 2020 đến năm 2021.
Với 99% khách hàng mới có khả năng tiếp tục sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số sau đại dịch, Việt Nam đang có vị thế thuận lợi để phát triển nền kinh tế số đạt giá trị 57 tỷ USD vào năm 2025” - Giáo sư Paul nhấn mạnh.