Việt Nam tăng cường siết chặt việc đánh bắt cá trái phép

(PLO)- Việt Nam sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam (VN) là một trong những nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thủy sản, cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Để làm được điều này thì việc triển khai các quy định về phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là khai thác IUU) cần được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt.

Các ngư dân Việt Nam được trở về nhà hôm 22-9, sau hơn ba tháng bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Các ngư dân Việt Nam được trở về nhà hôm 22-9, sau hơn ba tháng bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm

Vừa qua, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống khai thác IUU đã tổ chức cuộc họp lần thứ VI, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến cấp xã của 28 tỉnh, TP ven biển.

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã triển khai nhiều giải pháp như sử dụng máy bay không người lái để tuần tra, kiểm soát; lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm để theo dõi, giám sát… Các địa phương như Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm; đặc biệt là Phú Yên từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc vi phạm.

Cho biết thời gian qua tỉnh không có tàu nào bị nước ngoài bắt giữ, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ kinh nghiệm tỉnh đã ra yêu cầu các tàu cá lắp thiết bị hành trình và hỗ trợ thuê bao viễn thông trong ba năm. Hiện 100% tàu cá đã lắp thiết bị.

Tỉnh Thanh Hóa cũng phân loại để rà soát, các tàu có nguy cơ vi phạm thì yêu cầu ký cam kết, cương quyết không cho tàu cá không bảo đảm lắp đặt thiết bị ra khơi…

Bên cạnh những kết quả đạt được, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng còn có một số hạn chế. Mặc dù lắp thiết bị nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá ngắt thiết bị hoặc lắp sang tàu khác. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá hiện còn vướng mắc. Bên cạnh đó là vướng mắc về xác định ranh giới trên biển đối với việc xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cùng quan điểm này, để giảm thiểu tình trạng ngư dân vi phạm, đại diện tỉnh Phú Yên cho rằng trung ương và các địa phương cần đẩy mạnh các chính sách, giải pháp chuyển nghề cho ngư dân, hướng đến phát triển mô hình “nuôi biển”, “nuôi bờ”…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu thành lập ngay các đoàn liên ngành, ở trung ương do lãnh đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách đi kiểm tra cụ thể, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, công an các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển và tại các cảng cá. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ rủi ro, tác hại, từ đó nâng cao ý thức trong chống khai thác IUU.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định VN không cho phép và sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm về khai thác IUU.

Các tỉnh, TP ven biển tăng cường điều tra, giám sát

Để EC sớm gỡ "thẻ vàng" IUU đối với hàng thủy sản VN, các tỉnh, TP ven biển đã có những chỉ đạo về việc tăng cường chặt công tác giám sát, điều tra hoạt động đánh bắt của người dân.

Đầu tháng 9-2022, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành công văn hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng của tỉnh về tăng cường công tác phòng chống tàu cá khai thác IUU.

Theo đó, yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá ngư dân; các ban quản lý cảng cá thực hiện nghiêm túc việc giám sát tàu cá ra vào cảng, nhật ký khai thác, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Đồng thời theo dõi chặt số lao động đi trên tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ khi về lại địa phương để xử lý, quản lý, có biện pháp giáo dục, răn đe, không để tái phạm.

Trước đó, UBND các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre… cũng chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác nắm thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, tuyên truyền, nhắc nhở thuyền trưởng, ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và các hành vi vi phạm IUU, lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm…

Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU

Trước đó, tại Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14-9, mục tiêu chung được đặt ra là tập trung triển khai các quy định về phòng chống khai thác IUU; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC…

Trong đó, đến năm 2025 ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân VN vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC…

Để làm được điều này, đề án đặt ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thông tin truyền thông, tuyên truyền; hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách; đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá…

Trong nước, phải thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của khai thác IUU đối với sự phát triển bền vững của hoạt động khai thác hải sản… Ở ngoài nước, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tổ chức các cuộc họp, hội thảo, họp báo để trao đổi, khẳng định các cam kết, nỗ lực của VN trong phòng chống khai thác IUU, phát triển nghề cá bền vững.

Đặc biệt, muốn giảm khai thác IUU thì phải hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo phát triển nghề cá bền vững; xây dựng, triển khai một số chính sách về phát triển thủy sản bền vững; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và sinh kế của cộng đồng ngư dân…

Trao đổi về việc phòng chống khai thác IUU, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho hay: “Nhà nước tạo điều kiện cho ngư dân rất nhiều, trang bị cho ngư dân thiết bị GPS để có thể biết mình đang ở đâu, tọa độ nào trên biển. Nhà nước cũng cung cấp phần mềm để khi tàu cá ra khỏi vùng biển VN thì đều có cảnh báo ngay lập tức”. “Ngư dân tại Đà Nẵng từ sau khi có thiết bị GPS thì hầu như không có vi phạm nào lớn” - ông Lĩnh khẳng định.

Cũng theo ông Lĩnh, Hội Nghề cá TP Đà Nẵng thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT tuyên truyền rất mạnh mẽ cho ngư dân về các quy định pháp luật trong đánh bắt cá.

Về mục tiêu để EC gỡ “thẻ vàng” IUU đối với thủy sản VN, ông Lĩnh cho rằng cần phát triển một nghề cá có trách nhiệm và bền vững. Vì ngoài quy định không xâm phạm vùng biển các nước khác còn phải làm sao bảo vệ được nguồn tài nguyên cá của VN, hướng đến phát triển bền vững nghề cá.•

Chế tài đối với hành vi IUU tại một số nước

Ở một số nước trên thế giới, mức phạt đối với hành vi IUU là rất cao. Cụ thể, ở Thái Lan là gần 6,4 triệu USD, Indonesia khoảng 1,5 triệu USD, Philippines khoảng 1 triệu USD…

Trong khi đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới đã xử hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm IUU. Điển hình, Indonesia sẽ áp dụng hình phạt tù cao nhất đối với hành vi IUU là bảy năm cùng với biện pháp đốt, đánh đắm tàu; Thái Lan phạt tù cao nhất ba năm; Malaysia phạt tù cao nhất hai năm; Philippines phạt tù cao nhất 10 năm…

ĐỖ THIỆN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm