Vĩnh biệt PGS-TS Lê Tiến Dũng: ‘Từ nay hết những vỗ về...'

“Người học văn chương quan trọng nhất là phát hiện mới. Cứ dũng cảm tranh luận vì lý luận văn học không có một chiều và thầy không phải đúng hết. Viết ngược lại những gì trong giáo trình bằng luận cứ, luận điểm thuyết phục thì điểm cao”.
Đó là bài học về sự hoài nghi khoa học, phản biện khoa học mà nhiều thế hệ sinh viên may mắn được học thầy PGS-TS Lê Tiến Dũng (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhớ mãi.

PGS-TS Lê Tiến Dũng. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Ngày 10-4, người thầy lãng tử, tài hoa với phong cách giảng dạy hút hồn cùng giọng Quảng Bình dịu dàng ấy đã đi vào cõi thiên thu, để lại bao niềm tiếc thương…

Non 20 năm trước, đám sinh viên khoa văn chúng tôi thích nhất là được ngồi uống cà phê với thầy cô của trường. Chỉ vì ở đó chuyện văn chương thú vị hơn nhiều lần các bài giảng trên giảng đường. Và thầy Lê Tiến Dũng là một trong những người thầy có thể dạy văn ở bất kỳ đâu.
Thầy có thể vừa uống cà phê, vừa ngắm một dàn mồng tơi bên bờ kênh Thị Nghè rồi cắc cớ hỏi: “Tại sao chỉ có giậu mồng tơi xíu xiu mà ông Nguyễn Bính không dám nhảy qua với cô hàng xóm?”. Tôi tếu táo thưa: “Do ổng nhát gái nên đổ thừa bờ giậu mong manh!”.
Thầy khen hai chữ “đổ thừa” khá duyên dáng, rồi thưởng cho tôi cuốn giáo trình do chính thầy là tác giả, không quên dặn thêm: “Phôtô cho các bạn cùng học để đỡ tốn tiền”.

PGS-TS Lê Tiến Dũng với học trò - nhà báo Nguyễn Tý. Ảnh: BNT

Khi dạy lý luận văn học, thầy có đề cập đến những chức năng, những “tính” của văn chương mang đầy trọng trách nặng nề của nhiều nhà lý luận như chức năng giáo dục, thẩm mỹ… Có lần, cũng ở quán cà phê, tôi can đảm hỏi thầy sao văn chương phải “cõng” những thứ ấy để người đọc mệt mỏi và sinh viên ít hứng thú, trong khi chắc gì khi viết tác giả đã nghĩ đến những điều cao siêu đến vậy.

Thầy xoay ly cà phê trong tay, nói nhẹ: “Cái ly để đựng đồ uống là chức năng chính, còn lại, nó có thể chụp một con ruồi, hoặc làm cái chặn giấy trên bàn làm việc, thậm chí bọn du côn còn dùng làm hung khí đánh nhau. Thầy không bao giờ đúng tất cả”.
Kết thúc môn học, thầy ra đề rất… nghiệt: “Anh chị hãy trình bày vấn đề mình tâm đắc. Sinh viên được sử dụng tài liệu thoải mái”. Tôi viết bài thi không đồng tình với các nhà phê bình văn học trong nước đương đại đánh giá Truyện Kiều của Nguyễn Du hay các vở kịch của W. Shakespeare còn hạn chế này nọ. Tôi đề cao tính giải trí và đem cả phim Mỹ vào so sánh…
Yên tâm vì điểm kém, tôi không bận tâm đến kết quả, đến khi nhận bảng điểm tôi mới biết điểm số mình cao nhất lớp. Thầy đã tôn trọng ý kiến của một sinh viên hồn nhiên, non nớt như tôi, miễn sao ý kiến ấy được kiến giải bằng lập luận chặt chẽ, thuyết phục...

Tác phẩm cuối cùng của PGS-TS Lê Tiến Dũng. Ảnh: NGUYỄN TÝ

Thầy Lê Tiến Dũng yêu thương sinh viên như con nhưng ông khó tính theo kiểu rất… Quảng Bình. Nhiều sinh viên thi rớt, tìm tới nhà xin điểm, thầy không ngần ngại mắng cho mấy câu rồi đuổi về.

Rồi nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm tới gặp thầy cà phê, tìm lời khuyên. Bao giờ thầy cũng gần gũi lắng nghe rồi giới thiệu những công việc phù hợp. Không ít trong số sinh viên xưa giờ đã là nhà báo nổi tiếng ở các tòa soạn hoặc là nhà giáo giỏi ở các trường trong thành phố. Cửa nhà thầy luôn rộng mở, cho cả những đứa học trò bất đắc chí tìm tới để được vỗ về…
Đẹp trai, tài hoa, lãng tử và tận tâm với văn chương nhưng bốn lần tai biến đã quật ngã thầy! Trước lúc về cõi thiên thu, thầy còn kịp in được cuốn sách cuối cùng Nghĩ về văn chương đất Phương Nam, chu toàn đám cưới cho cô con gái…
Được học thầy Lê Tiến Dũng là may mắn trong đời. Và chia tay thầy quả thật rất khó khăn!
Xin thầy yên nghỉ! Các học trò của thầy sẽ cố gắng chẳng khóc đâu nhưng họ sẽ phải sống xứng đáng với sự yêu thương và lòng bao dung của thầy!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm