Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện chim yến, trĩ ở Ninh Thuận và Tiền Giang chết do nhiễm cúm H5N1. Vì vậy thị trường kinh doanh mặt hàng này ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tâm lý NTD bị ảnh hưởng
Bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Yến Việt, cho biết mặc dù từ đầu tháng đến nay mức tăng trưởng của DN tăng 20% so với tháng trước. Bên cạnh đó, từ tháng 3 công ty đã có kế hoạch thực hiện khuyến mãi mua 100 g tổ yến (hơn 4 triệu đồng) được tặng 10 g hồng yến trị giá 800.000 đồng. Tuy nhiên, thông tin yến bị nhiễm cúm H5N1 cũng ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng (NTD).
Còn theo ông Nguyễn Danh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH TM Dịch vụ Xuất nhập khẩu Chấn Hưng, hai tháng nay tình hình kinh tế khó khăn nên sức mua của mặt hàng này giảm. Ví dụ một khách hàng trước đây một lần mua 10 triệu đồng bây giờ giảm còn 6 triệu đồng… và hiện nay cơ quan chức năng còn chưa xác định được virus cúm tồn tại trên tổ yến hay chim sống.
Chè tổ yến, món ăn được nhiều người ưa thích. Ảnh: CTV
Trong khi đó, tại các cửa hàng bán lẻ bắt đầu khuyến mãi giảm giá 10%-35%, tặng kèm dụng cụ chưng yến… Một nhân viên cửa hàng yến (quận 1) cũng giảm giá 50% nhưng rất vắng khách. Một số cửa hàng khác cho biết hiện trong kho còn nhiều hàng yến dự trữ nên như đang ngồi trên đống lửa.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Anpha, chia sẻ trước thông tin dịch cúm H5N1 trên chim yến đã tác động đến nên sức mua NTD giảm hẳn. Không chỉ ảnh hưởng riêng đến Saigon Anpha mà còn ảnh hưởng đến các thương hiệu khác cũng như các nước đang khai thác chim yến.
Virus khó sống đến 12 giờ
Bà Loan nhận định Yến Việt có quy trình kiểm tra chặt chẽ từ đầu vào. Trong quá trình chế biến áp dụng theo quy định của quốc tế nên NTD hoàn toàn yên tâm.
Cùng quan điểm trên, ông Hoàng cho rằng trong nhiệt độ bình thường virus chỉ sống vài tiếng đồng hồ. Trong khi đó, quy trình bắt đến chế biến phải mất cả tháng, khi chế biến lại phải sấy khô với nhiệt độ 70-100 độ C suốt 12 giờ đồng hồ thì tất cả virus đều không thể sống được. Khi mua về NTD còn chưng cách thủy lâu… vì vậy NTD yên tâm và không có gì phải lo lắng.
Ông Tuấn phân tích virus H5N1 không thể tồn tại thời gian dài trong môi trường 25-30 độ C, mà môi trường chim yến săn mồi hầu như trên 30 độ C nên cho rằng chim yến nhiễm trong môi trường săn mồi là sai. Thứ hai nếu ổ dịch, lây nhiễm cúm thì không quá 24 giờ sẽ chết hàng loạt có thể hơn 50%-70% trong đàn chim chứ không phải chết rải rác hoặc chim chết xét nghiệm là có nhiễm cúm, chim sống không có, tổ chim, phân chim… cũng không có là không đúng. “Đến nay tôi tin rằng chim yến chưa nhiễm H5N1 mà do yếu tố nào đó chưa rõ ràng” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông cho biết thêm quy trình xét nghiệm cần nhiều cơ quan minh bạch rõ ràng, ngay cả lấy mẫu chim ở một môi trường bị nhiễm cần nhiều cơ quan ban ngành hoặc sau khi lấy mẫu phải niêm phong, đưa đến phòng xét nghiệm hoặc quy định người nào được phép đưa đến phòng xét nghiệm và phòng xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm và báo cáo.
Cần công bố rõ ổ dịch để tránh nghi ngờ
Theo BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết virus cúm ký sinh trên chim yến không ký sinh trên những vật thể hoặc thực phẩm. Nếu yến còn trong tổ và con chim yến nhiễm cúm H5N1 nằm trong tổ thì nguy cơ tổ yến nhiễm virus cúm rất cao. Nếu tổ yến được chuyển ra khỏi chỗ nhiễm bệnh thì không vấn đề gì. Trong quá trình chế biến sấy khô virus cúm không thể sống và tồn tại trong sản phẩm yến đã được sơ chế. Nước yến đun ở 150 độ C còn tiệt trùng hơn nữa nên NTD yên tâm sử dụng các sản phẩm yến. Đặc biệt là sử dụng đúng cách như hướng dẫn của người bán.
Ngày 16-4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết dịch cúm gia cầm H5N1 đã phát hiện trên chim yến và chim trĩ là những loài chim hoang dại có thể lây lan nhanh. Vì vậy, các địa phương phát hiện có đàn chim yến nhiễm bệnh bao vây các ổ dịch, tiêu hủy và dập dịch ở khu vực đó. Các cơ quan chức năng phát hiện cúm H5N1 ở phân chim và đang tiến hành xét nghiệm ở tổ chim, chim sống. Vì vậy cần đưa thông tin cho người dân ổ dịch ở đâu, tiêu hủy thế nào, tránh gây hoang mang tới sản xuất và tiêu dùng sản phẩm từ chim yến.
Cũng tại cuộc họp này cho hay Bộ NN&PTNT đang xem xét ban hành thông tư tạm thời quy định về quản lý nuôi chim yến. Cũng như thông tư mới về chăn nuôi, khử trùng chuồng trại…
Giao lưu trực tuyến “Ngăn ngừa cúm A/H5N1 trên yến và lợi ích sức khỏe của yến sào” Thông tin yến nuôi ở tỉnh Ninh Thuận chết vì cúm A/H5N1 khiến người nuôi yến, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh yến sào, ngay cả người tiêu dùng ở TP.HCM hết sức lo lắng. Thực tế cho thấy yến sào là thực phẩm bổ dưỡng, cải thiện tốt sức khỏe cho mọi độ tuổi. Tuy nhiên, trong thời điểm xảy dịch cúm A/H5N1 trên yến, người nuôi phải làm gì để yến và tổ yến không bị lây nhiễm? Liệu cúm A/H5N1 trên yến có lây sang người không? Yến sào chế biến ra sao để vừa bổ dưỡng, vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm? Để làm sáng tỏ những vấn đề trên, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Ngăn ngừa cúm A/H5N1 trên yến và lợi ích sức khỏe của yến sào” vào lúc 9 giờ thứ Ba (23-4-2013). Mời đặt câu hỏi tại đây Khách mời tham gia giao lưu gồm: - BS ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. - Ông HUỲNH TẤN PHÁT, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM. - Ông NGUYỄN HOÀNG TUẤN, Tổng Giám đốc Công ty yến sào Sài Gòn-Anpha. ______________________ Công ty yến sào Sài Gòn-Anpha tài trợ buổi giao lưu. Nhà tài trợ còn tặng 10 phần quà (300.000 đồng/phần) cho 10 bạn đọc có câu hỏi hay nhất. |
TÚ TRẦN