VKSND Tối cao yêu cầu báo cáo vụ 'Truy tố đến cùng rồi né bồi thường oan'

Lãnh đạo VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Trà Vinh kiểm tra lại vụ việc của anh Lý Quốc Nghiệp (Trà Vinh) mà Pháp Luật TP.HCM ngày 3-8 đã phản ánh trong bài “Truy tố đến cùng rồi né bồi thường oan”. VKSND tỉnh Trà Vinh phải báo cáo ngay lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách, Vụ 3 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND Tối cao để theo dõi.

Như đã thông tin, tháng 5-2007, anh Lý Quốc Nghiệp, ở phường 6, TP Trà Vinh (Trà Vinh) là chủ doanh nghiệp kinh doanh điện máy bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Xét xử sơ thẩm và phúc thẩm lần một, TAND TP Trà Vinh và TAND tỉnh Trà Vinh xử phạt anh bốn năm tù.

Tháng 5-2009, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Đến tháng 9-2009, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy cả hai bản án trên. Đến giữa năm 2011, sau khi xin ý kiến VKSND Tối cao, VKSND TP Trà Vinh ra quyết định đình chỉ vụ án, bị can đối với anh Nghiệp vì đây là giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, quyết định đình chỉ này bị VKSND tỉnh Trà Vinh hủy, anh Nghiệp tiếp tục bị truy tố nhưng số tiền quy kết anh chiếm đoạt được rút từ 186 triệu đồng xuống còn 31 triệu đồng.

Ngày 3-10-2011, TAND TP Trà Vinh xử sơ thẩm lần hai, tuyên phạt anh Nghiệp hai năm tù. Tháng 7-2013, TAND tỉnh hủy án sơ thẩm lần hai để điều tra xét xử lại.

Ngày 2-1-2014, VKSND TP Trà Vinh có quyết định đình chỉ lần thứ hai đối với anh Nghiệp vì không đủ căn cứ truy tố. Sau đó anh Nghiệp có đơn yêu cầu TAND TP Trà Vinh xin lỗi và bồi thường oan.

Anh Lý Quốc Nghiệp vẫn kiên trì gõ cửa các cơ quan chức năng để yêu cầu minh oan và trả lại lý lịch trong sạch cho mình.

Ngày 29-7-2015, VKSND tỉnh Trà Vinh lại hủy quyết định đình chỉ của VKSND TP Trà Vinh. Hai ngày sau, VKSND TP Trà Vinh ra quyết định đình chỉ bị can đối với anh Nghiệp do miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Sau đó, anh Nghiệp khiếu nại hai quyết định của VKSND tỉnh và VKSND TP Trà Vinh. Tuy nhiên, đến nay VKSND TP Trà Vinh và VKSND tỉnh Trà Vinh chưa có văn bản trả lời anh Nghiệp.

Ngày 13-8, anh Lý Quốc Nghiệp đã gửi đơn tố giác tội phạm đến CQĐT và VKSND Tối cao yêu cầu khởi tố đối với hai viện trưởng đương nhiệm là viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh và viện trưởng VKSND TP Trà Vinh.

Theo đơn, anh Nghiệp cho rằng hai vị viện trưởng này đã có hành vi ra quyết định trái pháp luật đối với anh nên cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 BLHS.

Đơn tố giác tội phạm anh Nghiệp gửi CQĐT và VKSND Tối cao yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 BLHS.

Từ năm 2014, Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu TAND Tối cao, VKSND Tối cao giải quyết việc bồi thường oan cho anh Nghiệp nhưng chưa thấy hai cơ quan này trả lời. Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng thông tin, Ủy ban Tư pháp đã có văn bản nhắc nhở và yêu cầu cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng quy định pháp luật, trả lời cho anh Nghiệp và báo cáo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp.

Trước đây, Ban Nội chính Trung ương cũng đã cho ý kiến giúp Trà Vinh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm vụ truy tố đến cùng anh Nghiệp theo đề nghị của Tỉnh ủy Trà Vinh…

Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, lẽ ra với tinh thần cầu thị, khi đã thấy sai lầm của mình thì cơ quan tố tụng tổ chức xin lỗi, bồi thường oan cho nạn nhân.

Căn cứ vào lý do miễn trách nhiệm hình sự mà VKS nêu thì ai cũng thấy nó không ăn nhập gì với quy định của khoản 1 Điều 25 BLHS cả mà đây chỉ là “chiêu” để né bồi thường. “Nếu xem xét nghiêm túc cả quá trình giải quyết vụ án thì hành vi né bồi thường của VKS còn có dấu hiệu của tội ra quyết định trái pháp luật, quy định tại Điều 296 BLHS năm 1999. Vì vậy cần phải truy cứu để làm gương cho người khác” - ông Đinh Văn Quế nhận định.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm