Một vụ án sau năm phiên tòa, hai lần đình chỉ xác định bị can bị oan rõ ràng nhưng VKSND tỉnh Trà Vinh vẫn lợi dụng quyền hạn của mình để hủy bỏ quyết định đình chỉ của cấp dưới. Và cuối cùng, VKSND TP Trà Vinh lấy cớ “do chuyển biến tình hình” để miễn trách nhiệm hình sự nhằm tránh né trách nhiệm bồi thường oan của cơ quan tố tụng.
Trước hết xin khẳng định rằng nếu anh Lý Quốc Nghiệp phạm tội thì chẳng có chuyển biến tình hình gì ở đây cả! Ban đầu cáo buộc con người ta chiếm đoạt 18 cái tivi trị giá hơn 186 triệu đồng, sau đó rút xuống còn 31 triệu đồng mà không có giải thích vì sao. Phải chăng đây là tình tiết “làm cho chuyển biến tình hình”!? Việc truy tố của VKSND TP Trà Vinh đã cho thấy “tiền hậu bất nhất” với ý thức cố tình ghép tội anh Nghiệp.
Từ trước đến nay nhiều địa phương cũng đã sử dụng “chiêu trò” miễn trách nhiệm hình sự “vì chuyển biến tình hình” để né bồi thường oan và đã bị dư luận báo chí phanh phui. Sau đó có nhiều trường hợp người bị oan được các cơ quan tố tụng tổ chức xin lỗi và bồi thường thiệt hại nhưng cũng còn nhiều trường hợp vẫn treo đó và rơi vào im lặng!
Anh Lý Quốc Nghiệp vẫn kiên trì khiếu nại để được xin lỗi, bồi thường oan. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Vụ việc đã được TAND Tối cao lưu ý trong quyết định giám đốc thẩm hủy án: “Nếu không điều tra, xác minh được anh Nghiệp thực sự có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của ông Tài thì đây chỉ là giao dịch dân sự”. Khi điều tra lại, CQĐT đã không thể chứng minh được anh Nghiệp có hành vi gian dối như thế nào để chiếm đoạt tài sản. Sau này, trong công văn trả lời cấp dưới, VKSND Tối cao đã khẳng định không đủ căn cứ truy tố anh Nghiệp.
Vậy thì hà cớ gì VKSND tỉnh Trà Vinh vẫn cố tình làm ngược lại?!
Lẽ ra với tinh thần cầu thị, khi đã thấy sai lầm của mình thì cơ quan tố tụng tổ chức xin lỗi, bồi thường oan cho anh Nghiệp. Mà theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì TAND TP Trà Vinh mới là cơ quan phải đứng ra xin lỗi, bồi thường chứ có phải VKS đâu mà cố né.
Đời viện trưởng tiền nhiệm đã vậy, đến đời viện trưởng đương nhiệm vẫn cố bám lấy tư duy “né bồi thường oan” để ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ của cấp dưới xác định anh Nghiệp bị oan.
Trong khi đó, quyết định đình chỉ cuối cùng của VKSND TP Trà Vinh cho rằng: “Xét thấy hành vi của ông Nghiệp đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền 31 triệu đồng… Xét thấy vụ án xảy ra đã quá lâu, hậu quả không lớn, từ khi có hành vi phạm tội từ năm 2004 đến nay, Lý Quốc Nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nên cũng cần áp dụng chính sách hình sự để xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS là phù hợp”.
Căn cứ vào lý do miễn trách nhiệm hình sự mà VKS nêu thì ai cũng thấy nó không ăn nhập gì với quy định của khoản 1 Điều 25 BLHS cả mà đây chỉ là “chiêu” để né bồi thường! Cách hành xử né bồi thường oan của VKS như vậy thì làm sao người dân và dư luận chịu nổi!
Nếu xem xét nghiêm túc cả quá trình giải quyết vụ án thì hành vi né bồi thường của VKS còn có dấu hiệu của tội ra quyết định trái pháp luật, quy định tại Điều 296 BLHS năm 1999. Vì vậy, cần phải truy cứu để làm gương cho người khác.
Rồi đây VKSND tỉnh Trà Vinh phải trả lời Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc làm của mình. Nhưng thiết nghĩ cơ quan điều tra của VKSND Tối cao nên vào cuộc kiểm tra, xử lý trước khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có quyết định giám sát. Vì chỉ có như vậy thì trắng đen mới được làm sáng tỏ, người dân bị oan mới không ấm ức và dư luận mới không bức xúc. Đây là việc làm cần thiết để lấy lại lòng tin của người dân vào các cơ quan tố tụng!
10 năm truy tố đến cùng Anh Lý Quốc Nghiệp ở TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh có làm ăn với ông Lê Văn Tài. Năm 2005, đôi bên mâu thuẫn, ông Tài tố cáo. Anh Nghiệp bị khởi tố, tạm giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. VKSND TP Trà Vinh cáo buộc anh Tài chiếm đoạt 186 triệu đồng, TAND TP Trà Vinh và tòa tỉnh xử phạt anh Nghiệp bốn năm tù. Sau đó, TAND Tối cao hủy cả hai bản án này. Sau khi điều tra lại, VKSND TP Trà Vinh đình chỉ điều tra, xác định giao dịch giữa anh Nghiệp và ông Tài là quan hệ dân sự. Tiếp đó, VKS tỉnh hủy quyết định đình chỉ này; VKSND TP Trà Vinh tiếp tục truy tố anh Nghiệp với cáo buộc anh chiếm đoạt 31 triệu đồng; TAND TP Trà Vinh xử phạt anh Nghiệp hai năm tù nhưng sau đó tòa tỉnh hủy án, điều tra lại. Sau khi CQĐT điều tra lại mà vẫn không chứng minh được anh Nghiệp phạm tội, VKSND TP Trà Vinh tiếp tục đình chỉ vì không đủ căn cứ truy tố. Anh Nghiệp yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan. Tháng 7-2015, VKSND tỉnh Trà Vinh lại hủy quyết định đình chỉ của VKS cấp dưới. Ngày 29-7-2015, VKSND TP Trà Vinh đình chỉ (lại) với lý do miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS. |