Những cái tên như VNG, VietJet… có thể là những doanh nghiệp (DN) khởi đầu cho một loạt kế hoạch phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán ngoại. Qua đó giúp các DN Việt “chơi” theo tiêu chuẩn thế giới.
Háo hức lên sàn Mỹ
Công ty Cổ phần VNG vừa cho biết đang xúc tiến để quá trình IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Mỹ diễn ra nhanh nhất có thể. Kế hoạch này đã được hiện thực hóa bằng việc ký thỏa thuận thúc đẩy quá trình IPO giữa VNG và sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, Mỹ. Nếu thành công, đây sẽ là công ty Việt đầu tiên phát hành cổ phiếu tại Mỹ.
VNG được biết đến là đơn vị đã đưa game “Võ lâm truyền kỳ” về Việt Nam và là “cha đẻ” của mạng xã hội Zalo với khoảng 70 triệu người dùng. “Việc IPO tại Mỹ là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng chính thách thức này sẽ tạo động lực cho những chuyển biến bước ngoặt về tư duy, tổ chức, con người nội tại để công ty có thể tiến nhanh hơn vào thị trường toàn cầu” - ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG, chia sẻ.
Nasdaq là sàn chứng khoán lớn nhất nước Mỹ và lớn thứ hai thế giới. Đây cũng chính là nơi mà các đại gia như Apple, Microsoft, Google, Facebook, Ebay… đang niêm yết cổ phiếu của mình. Do đó việc Nasdaq ký kết dự kiến niêm yết với VNG sẽ là bài học kinh nghiệm tốt để các DN Việt tham khảo. Qua đó mở đường cho DN Việt tiếp cận thị trường vốn Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air (mã cổ phiếu VJC), cũng tiết lộ đang đàm phán để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ở nước ngoài. Với việc chiếm 40% thị phần hàng không trong nước, đây được cho là một lợi thế không nhỏ. Mới đây, hãng cũng được sự đồng thuận của cổ đông về việc nới room cho khối ngoại từ 30% lên 49% nên sẽ tìm kiếm nhiều cơ hội trên các sàn quốc tế.
Bà Thảo cho biết thêm: “Chúng tôi đã tiếp cận được một số sàn giao dịch nước ngoài bao gồm London, Hong Kong, Singapore và họ tỏ ra thích thú với cổ phiếu VJC. Tôi sẽ gặp các quan chức của sàn New York để tìm kiếm cơ hội. Việc niêm yết ở nước ngoài trên các thị trường lớn sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận của hãng đối với nhiều nguồn vốn, tăng cường kinh doanh chứng khoán và mở rộng danh sách các nhà đầu tư”.
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) được cho là “trái tim của phố Wall” và là một trong những sàn chứng khoán lâu đời nhất trên thế giới.
Nasdaq- sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới với tổng giá trị vốn hóa khổng lồ 6.800 tỉ USD. Ảnh: E-MAGAZINE
Đứt gánh giữa đường
Nhiều chuyên gia nhận định nếu VNG, VietJet phát hành cổ phiếu thành công tại Mỹ sẽ làm cho giới đầu tư chú ý đến DN Việt nhiều hơn và tạo cảm hứng cho các DN trong nước. Tuy vậy, không phải VietJet hay VNG mới là những DN nhăm nhe đưa cổ phiếu lên sàn quốc tế mà từ gần 10 năm trước đã có rất nhiều công ty tính đến chuyện này song “đứt gánh giữa đường”.
Đơn cử hồi tháng 10-2008, Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) đã có văn bản chấp thuận việc niêm yết cổ phiếu của Vinamilk tại thị trường nước này. Nhưng chỉ một tháng sau đó Vinamilk thông báo tạm dừng kế hoạch phát hành và niêm yết cổ phiếu trên chứng khoán SGX để đợi đến khi thị trường thuận lợi công ty sẽ tiếp tục thực hiện. Từ đó đến nay kế hoạch này vẫn dậm chân tại chỗ.
Cùng thời điểm với Vinamilk, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), PVDrilling hay Tập đoàn Kido (tên cũ là Kinh Đô) cũng đưa ra mục tiêu phát hành cổ phiếu tại những thị trường chứng khoán lớn như Singapore, Hong Kong, Mỹ. Có điều hầu như các kế hoạch này chỉ dừng ở mức dự định hoặc đang trong quá trình thực hiện.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia chứng khoán, cho biết: Khi một DN được niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc nâng tầm của DN trên thị trường tài chính thế giới. Đặc biệt độ minh bạch của thị trường chứng khoán tại New York cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi lựa chọn để đầu tư.
“Nếu VNG hay VietJet niêm yết thành công sẽ có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư quốc tế khá dễ dàng và một kênh huy động vốn hấp dẫn sẽ được mở ra” - ông Khánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để được niêm yết trên các sàn chứng khoán hàng đầu thế giới không dễ mà phải đáp ứng nhiều điều kiện rất khắt khe. Bởi thế hiện nay việc niêm yết trên sàn nước ngoài đối với DN nội vẫn chỉ là giấc mơ. Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, cho rằng để được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, DN phải đáp ứng các tiêu chí tài chính được phân thành bốn hạng mục đánh giá cụ thể như thu nhập, vốn chủ sở hữu, giá trị thị trường và tổng giá trị tài sản/tổng doanh thu.
Trong đó tiêu chí khó nhất là cổ phiếu phải được giao dịch trên 4 USD/cổ phiếu trong 90 ngày trước khi niêm yết. Sau đó cổ phiếu phải được giao dịch bằng hoặc trên mức giá này. Nếu cổ phiếu giao dịch dưới 4 USD/cổ phiếu trong liên tiếp 30 ngày sẽ đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết.
“Thị trường tài chính thế giới có những diễn biến rất khó lường. Với thị trường không khống chế biên độ về giá như chứng khoán Mỹ, rõ ràng đây là thách thức và rủi ro không nhỏ cho bất kỳ DN nào muốn niêm yết” - ông Vũ phân tích.
Tương tự, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng con đường từ lý thuyết đến thực tiễn không đơn giản. Một DN muốn niêm yết trên các sàn chứng khoán hàng đầu thế giới như Nasdaq, New York cần có tiềm lực tài chính cũng như tính minh bạch. Trong khi đó rất nhiều bản thuyết minh báo cáo tài chính của DN Việt vẫn chưa được thực hiện một cách minh bạch và đầy đủ.
Sàn gaio dịch chứng khoán New York (NYSE)
Các báo cáo kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện có sự khác biệt so với các báo cáo kế toán chuẩn mực của quốc tế. Do đó các DN Việt sẽ phải mất nhiều thời gian lẫn chi phí để làm lại toàn bộ sổ sách kế toán phù hợp với chuẩn kế toán quốc tế nếu muốn niêm yết ra nước ngoài. _____________________________ Lên rồi lại… xuống Ngày 18-9-2009, Công ty Cavico Việt Nam thông báo trở thành công ty đầu tiên niêm yết cổ phiếu tại NASDAQ của Mỹ với mã chứng khoán CAVO. Tuy nhiên, hai năm sau đã rời khỏi sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Nguyên nhân do vi phạm quy định công bố thông tin báo cáo tài chính năm, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu về thanh khoản và trị giá cổ phiếu. Các báo cáo kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện có sự khác biệt so với các báo cáo kế toán chuẩn mực của quốc tế. Do đó các DN Việt sẽ phải mất nhiều thời gian lẫn chi phí để làm lại toàn bộ sổ sách kế toán phù hợp với chuẩn kế toán quốc tế nếu muốn niêm yết ra nước ngoài. TS NGUYỄN TRÍ HIẾU |