Dự thảo Báo cáo tổng kết 12 năm thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình của Bộ Tư pháp đặt vấn đề: Nếu vợ ngoại tình mang thai thì quy định cấm chồng ly hôn trong thời gian vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi đã hợp lý?
Năm 2011, anh NQLT và chị Y. (ngụ một quận ở TP Hà Nội) tự nguyên kết hôn, về chung sống với nhau trước sự chấp thuận, vun vén của gia đình hai bên. Niềm vui càng nhân lên gấp bội khi vợ anh T. báo cho anh và gia đình hai bên biết tin vui là mình có thai. Thế nhưng sau một lần chở vợ đi khám thai, anh T. phát hiện ra “tác giả” của bào thai ấy không phải là mình!
Xin ly hôn vì bị “cắm sừng”
Cụ thể, anh T. đối chiếu với kết quả siêu âm về tuổi thai thì vào thời gian ấy anh đang đi công tác gần một tháng tại TP.HCM nên không thể gần gũi vợ. Quyết không để tình trạng nghi ngờ kéo dài, anh T. đã nói chuyện thẳng thắn với vợ. Cuối cùng chị Y. đã thú nhận đó là giọt máu của người yêu cũ.
Chị Y. khóc lóc nói nguyên nhân là vừa cưới nhau xong, anh T. đã lao ngay vào công việc, bỏ bê chị ở nhà một mình nên chị rất buồn và trống vắng. Đúng lúc này, người yêu cũ của chị lại xuất hiện, thường hẹn chị ra ngoài tâm sự, an ủi, động viên…
Sau những ngày dằn vặt, đau đớn vì bị lừa dối, cuối cùng anh T. đã quyết định gửi đơn ra TAND quận xin ly hôn chị Y. Tuy nhiên, tòa từ chối nhận đơn vì lúc này chị Y. mới mang thai được sáu tháng.
Có nên sửa quy định?
Việc tòa trả lại đơn xin ly hôn của anh T. là đúng bởi theo Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình, trong trường hợp người vợ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn.
Quy định trên nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi hợp pháp của bà mẹ và trẻ em trong giai đoạn mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nhưng với trường hợp đặc biệt như của anh T., đã có ý kiến cho rằng nên nghiên cứu sửa đổi quy định, cho phép người chồng được ly hôn bởi nếu không, có khi lại gây ra tác dụng ngược.
Trong dự thảo báo cáo tổng kết 12 năm thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình do Bộ Tư pháp tổng hợp mới đây, vấn đề này đã được đặt ra. Bộ Tư pháp cho rằng đúng là theo quy định hiện hành, trẻ đã được thành thai trong thời kỳ hôn nhân thì đương nhiên là con của vợ chồng. Tuy nhiên, với trường hợp trẻ không phải là con của người chồng thì thực tế, người chồng thường có những diễn biến tâm lý bất thường, dễ dẫn đến bạo hành tinh thần, bạo lực gia đình như đay nghiến, chửi mắng vợ, thậm chí gây ra thương tích, án mạng.
Về phía người vợ, khi phải sống chung một nhà với người đã hết tình cảm với mình trong cảnh “chiến tranh lạnh” hoặc bạo lực gia đình kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm hoặc suy nhược cơ thể. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của đứa con trong bào thai. Hoặc nếu hai bên sống ly thân thì người vợ cũng không được chồng chăm sóc, đồng thời càng khoét sâu thêm nỗi đau lòng của người chồng, hạnh phúc tương lai càng bất ổn hơn. Do đó, nếu người chồng không thể đại lượng bỏ qua mà không được ly hôn thì hậu quả xảy ra sẽ nghiêm trọng hơn việc giải quyết cho họ được “đường ai nấy đi”.
Chỉ cho ly hôn khi có chứng cứ vững chắc?
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Luật tố tụng dân sự - hôn nhân gia đình, khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), luật nên sửa đổi theo hướng quy định rõ trong trường hợp ngoại lệ, người chồng có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ.
Đó là trường hợp người chồng có chứng cứ vững chắc để chứng minh đứa trẻ không phải là con của mình. Chứng cứ vững chắc ở đây ví dụ như có kết luận giám định của cơ sở y tế có thẩm quyền cho thấy người chồng bị bệnh yếu sinh lý, vô sinh hay người vợ thừa nhận đứa trẻ không phải là con của chồng. Hoặc người vợ mang thai trong thời gian chồng đi xa, không thể gần gũi nhau...
Một nữ thẩm phán chuyên xử án ly hôn tại TAND TP.HCM thì cho rằng suy cho cùng, tinh thần của pháp luật cũng luôn xuất phát từ nền tảng chính là bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em - vốn bị yếu thế và thiệt thòi. Do đó, nếu có sửa luật thì phải xác định là nếu người chồng chỉ dừng lại ở mức độ nghi ngờ đứa con không phải của mình mà không đưa ra được chứng cứ rõ ràng thì tòa vẫn từ chối giải quyết yêu cầu ly hôn. Bởi lúc này, mọi yêu cầu của người chồng, chẳng hạn yêu cầu tòa giám định... đều tổn hại đến tinh thần, sức khỏe của người vợ và đứa trẻ.
Luật cho phép người vợ chủ động ly hôn Một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM kể văn phòng của ông từng tư vấn cho một phụ nữ đang mang thai muốn ly hôn vì người chồng vũ phu, suốt ngày say xỉn, đánh chửi chị, làm chị phải bỏ về nhà cha mẹ ruột sống chờ sinh con. Theo vị luật sư này, Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ không cho phép chồng yêu cầu xin ly hôn chứ không cấm vợ yêu cầu tòa giải quyết ly hôn trong thời gian đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Do đó, nếu thấy tình trạng hôn nhân đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì người vợ có quyền xin ly hôn và tòa sẽ thụ lý, giải quyết. Đừng tạo ra “án treo ly hôn” Tôi nghĩ không nên máy móc áp dụng quy định hạn chế quyền ly hôn tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay mà phải liệt kê những trường hợp ngoại tình đặc biệt. Ở góc độ nào đó, quy định cũng vô tình tạo ra những khoảng lặng bất hạnh trong hôn nhân vì nó giống như bản “án treo ly hôn”. Dù rằng tinh thần chung của luật là bảo vệ phụ nữ nhưng những người đàn ông lâm vào tình trạng yếu thế thì cũng cần được bảo vệ. Có vụ tôi biết, vì mục đích vật chất mà người vợ đã lợi dụng quy định bằng cách cứ sinh con liên tiếp khiến yêu cầu ly hôn của người chồng bị kéo dài, trong khi thực tế người chồng đã được bệnh viện khẳng định là vô sinh. Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang Phải tính yếu tố lỗi Luật không dựa trên căn cứ là yếu tố lỗi của vợ chồng trong việc làm phát sinh mâu thuẫn hôn nhân, dẫn tới ly hôn. Do đó, việc xác định căn cứ ly hôn còn định tính, trừu tượng, khó xác định và cũng không bao quát được hết các trường hợp có yêu cầu ly hôn chính đáng. Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM |
THANH TÙNG