Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn: Khởi tố 23 bị can, nhiều dự án đang dang dở

(PLO)- Liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, đến nay đã có 23 bị can bị khởi tố, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao tại các địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi; cơ quan chức năng cũng thu hồi được 55 tỉ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến ngày 24-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) vẫn đang điều tra vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và các đơn vị, địa phương liên quan.

06bican.jpg
Các bị can vừa bị khởi tố hôm 22 và 23-4, gồm Nguyễn Văn Khước, Chu Quốc Hải, Hoàng Văn Nhiệm (Hàng trên từ trái sang), Cao Đại Nghĩa, Đinh Thị Thu Hương, Nguyễn Ngọc Huy (Hàng dưới, từ trái sang phải). Ảnh: BCA

23 người bị khởi tố

Mới nhất, ngày 22 và 23-4, C03 đã khởi tố, thực hiện khám xét với sáu bị can. Những người này gồm Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc; Chu Quốc Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT; Hoàng Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cùng bị bắt về tội nhận hối lộ.

Cao Đại Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giá, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ TN&MT bị bắt về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định.

Khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú với Đinh Thị Thu Hương, Trưởng phòng giá đất bồi thường tái định cư, Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT và Nguyễn Ngọc Huy, Giám đốc Công ty Thẩm định giá Nam Hà.

Trước đó, ngày 26-2, C03 đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, C03 cũng đã khởi tố, bắt tạm giam sáu người. Gồm Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Hằng, Phó giám đốc; Đỗ Thị Mai, Kế toán trưởng; Hoàng Thị Tuyết Hạnh, Kế toán viên (Tập đoàn Phúc Sơn); Trần Hữu Định, Giám đốc Công ty CP đầu tư Nam Á Group; Nguyễn Hồng Sơn, lao động tự do cùng về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Những bị can này bị khởi tố vì đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, phạm vào khoản 3, Điều 221 BLHS 2015.

Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn: Đã khởi tố 23 bị can
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: BCA

Đến ngày 7-3, C03 tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam chín bị can.

Gồm bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Cao Khoa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, bị khởi tố cùng về tội nhận hối lộ.

C03 cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, cựu Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi; ông Phạm Ngọc Thủy, Phó giám đốc Sở GTVT, cựu Trưởng phòng Kỹ thuật và chất lượng Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi;

Ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi; ông Phạm Ngọc Cương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng ông Đặng Trung Hoành, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Gần đây, ngày 27-3, C03 khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Phạm Hoàng Anh, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cùng về tội nhận hối lộ.

du-an-phuc-son (12).jpg
Nhiều dự án của Tập đoàn Phúc Sơn ở Vĩnh Phúc hiện còn đang dang dở. Ảnh: PHI HÙNG - XUÂN NGUYỄN

Chi phối, lũng đoạn để gây sức ép với một số cán bộ tỉnh

Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ năm 2004 đến nay với quy mô và hoạt động xây dựng ở cấp huyện.

Từ năm 2015, Công ty Phúc Sơn bắt đầu phát triển mạnh mẽ và nhận nhiều công trình từ Bắc đến Nam. Hiện công ty này đang thực hiện 21 dự án với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra mới xem xét hai dự án ở Vĩnh Phúc đã phát hiện việc bỏ ngoài sổ sách, không kê khai hệ thống tài chính, trốn thuế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước trên 640 tỉ đồng.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện để bán mà công ty đã bán và thu tiền nhưng không giao đất cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho người dân hàng chục nghìn tỉ đồng.

Phía Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an), sau đó cũng đã yêu cầu các địa phương rà soát, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan Tập đoàn Phúc Sơn và các công ty thành viên, như Khánh Hòa, Quảng Ngãi…

Lãnh đạo C03 cũng đánh giá đây vụ án Tập đoàn Phúc Sơn là vụ án lớn, là loại tội phạm mới. Qua điều tra cũng như lời khai của một số bị can, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Văn Hậu có hành vi chi phối, lũng đoạn để gây sức ép với một số bị can là cựu ủy viên thường vụ của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi. Để làm việc này, Hậu đã dựa vào mối quan hệ thân quen của người có chức vụ, quyền hạn.

Như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu gói thầu “Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi”. Còn bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc…

Và đến nay, nhiều dự án lớn liên quan Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương này vẫn còn đang dang dở vì nhiều lý do như, dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường, Dự án Khu đô thị mới Tứ Trưng - Vĩnh Tường...

Bộ Công an cho rằng hành vi này rất nguy hiểm, đây là tội phạm mới, không chỉ gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, nhân dân mà còn ảnh hưởng tới cán bộ cấp cơ sở, làm xấu hình ảnh của Đảng và nhân dân.

Về thu hồi tài sản, tính đến đầu tháng 4, cơ quan điều tra đã thu hồi 55 tỉ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại. Đồng thời rà soát, kê biên, phong toả nhiều tài sản có giá trị của bị can và những người có liên quan để phục vụ công tác thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả.

Trong vụ án này, Trung ương Đảng đã kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng với bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Lan cũng đã bị bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ban Bí thư cũng đã có các quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông Lê Duy Thành, Phạm Hoàng Anh, Đặng Văn Minh, Cao Khoa, Hà Hoàng Việt Phương, Cao Khoa.

Ngoài ra, Bộ Chính trị báo cáo, đề nghị Trung ương Đảng thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Viết Chữ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm