Vụ cá chết: Trình Chính phủ phương án hỗ trợ ngư dân

“Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ dự thảo chính sách hỗ trợ cho người dân bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng bởi cá chết. Dự thảo có nêu khá đầy đủ biện pháp làm sạch môi trường biển, chuyển đổi nghề, hỗ trợ học nghề, xuất khẩu lao động... cho ngư dân các địa phương” - ngày 4-7, đại diện Bộ NN&PTNT thông tin.

Diêm dân cũng được hỗ trợ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết thêm: “Sau khi các chế độ hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 772/QĐ-TTg được thực hiện xong (hỗ trợ 15 kg gạo/người trong 1,5 tháng… - PV), Bộ tiếp tục đề xuất Chính phủ hỗ trợ thêm sáu tháng gạo cho ngư dân, mở rộng cho cả diêm dân. Chính sách thu mua tạm trữ hải sản cũng sẽ được kéo dài thêm một tháng nữa, tức đến hết tháng 7”.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho các ngư dân muốn lên bờ. “Cố gắng mỗi hộ gia đình có một người đi xuất khẩu lao động. Hướng đi này sẽ giúp cho gia đình ngư dân ổn định cuộc sống tốt hơn” - dự thảo nêu.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT cũng trình bày một dự án khôi phục, tái tạo các rạn san hô cũng như hệ sinh thái đã bị hủy hoại. Dự kiến kinh phí trồng lại san hô, rừng ngập mặn, làm sạch môi trường biển mỗi năm khoảng 40 tỉ đồng. Dự án này cần một lực lượng lao động rất lớn, giải quyết việc làm cho không ít ngư dân và người nhà của họ. “Sau khi Chính phủ phê duyệt, chính sách này sẽ được công bố rộng rãi để bà con ngư dân bốn tỉnh Bắc Trung Bộ an tâm hơn về cuộc sống” - Thứ trưởng Tám nói.

Cùng ngày, một lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết Bộ cũng đã trình phương án làm sạch biển, tẩy các chất độc phenol, cyanua, hydroxit sắt, đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Ngư dân Thừa Thiên-Huế chỉ mong biển sạch để ra khơi đánh cá. Ảnh: VẠN AN

Bộ Công an đang làm việc tại Hà Tĩnh

Ngày 4-7, tổ công tác của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc Formosa Hà Tĩnh xả chất độc ra môi trường.

Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Ngay từ khi xảy ra sự cố, tổ công tác của Bộ Công an đã vào Hà Tĩnh làm việc và họ trực tiếp chỉ đạo. Công việc cụ thể thì chúng tôi không được phát ngôn”.

Trong khi đó trả lời báo chí, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Sáng 4-7, cơ quan công an đã đến làm việc với ông và tiếp cận một số hồ sơ liên quan để làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua. Theo ông Đinh, cơ quan công an còn làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh và chính quyền địa phương.

Thông tin trong ngày

Ngày 4-7, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục họp đánh giá thiệt hại sau sự cố cá chết và bàn các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Theo thống kê, thiệt hại toàn tỉnh trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, kinh doanh thủy sản và nghề muối tính đến tháng 6 là hơn 1.255 tỉ đồng, dự kiến đến hết năm 2016 là 2.300 tỉ đồng. Thiệt hại về du lịch đến tháng 6 ước 2.600 tỉ đồng, đến hết năm 2016 khoảng 4.000 tỉ đồng.

“Hiện việc chuyển đổi nghề cho người dân vùng biển rất khó khăn vì chưa biết chọn nghề gì cho phù hợp. Còn hỗ trợ cho người dân bằng tiền hay gạo chỉ là biện pháp tạm thời” - ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, bày tỏ.

Cùng ngày, ông Hoàng Công Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết UBND tỉnh đã họp để xây dựng nhiều nhóm giải pháp như hỗ trợ chuyển đổi nghề, đóng tàu đánh bắt xa bờ, xuất khẩu lao động… nhằm phù hợp với ngư dân từng vùng ven biển. Trước mắt, UNBD tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trong hai năm cho 2.500 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp với kinh phí khoảng 10 tỉ đồng.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ một chương trình dạy nghề để có thể áp dụng ngay với các ngư dân, đồng thời tăng thêm chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho địa phương.

Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 80.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố. Tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách như hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ 100% lãi suất cho hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn chuyển đổi ngành nghề. Ngư dân đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần được hỗ trợ từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng/tàu.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết thêm: Hiện ngư dân trong tỉnh chỉ khai thác hải sản sạch từ 20 hải lý trở ra. Tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương khẩn trương đánh giá, quan trắc môi trường, kiểm nghiệm hải sản, sớm công bố vùng khai thác an toàn trong 20 hải lý.

Về công tác an sinh, Chính phủ cần nhanh chóng hỗ trợ ngư dân đóng tàu khai thác xa bờ, đào tạo nghề cho ngư dân, tạo điều kiện cho thanh niên trẻ ở vùng biển đi xuất khẩu lao động hoặc vào làm việc tại các khu công nghiệp.

TS LÊ THANH LỰU, chuyên gia thủy sản,
Hội Nghề cá Việt Nam

T.PHƯƠNG ghi

Sau vụ cá chết, tôi được Nhà nước hỗ trợ gạo và 5 triệu đồng. Nhưng tiền hỗ trợ ăn hoài cũng hết. Chúng tôi chỉ mong môi trường biển sạch trở lại để an tâm ra khơi, vừa kiếm sống vừa để bảo vệ ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa.

Ông NGUYỄN VĂN ẤN, xã Hải Dương,
Hương Trà, Thừa Thiên-Huế

VẠN AN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm