Cô nữ công nhân Thạch Thị Bé Trúc cho biết vừa nhận được cáo trạng của VKSND huyện Củ Chi. Theo đó, VKS vẫn giữ quan điểm truy tố Trúc về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 2 Điều 202 BLHS (khung hình phạt từ ba năm tù đến 10 năm tù). Cáo trạng do ông Nguyễn Văn Huyện (Phó Viện trưởng VKSND huyện Củ Chi) ký ngày 15-2-2017.
Sau hơn chín tháng bị tạm giam, Thạch Thị Bé Trúc đã được cho tại ngoại. Ảnh: L.TRINH
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, 22 giờ ngày 27-3-2015, Trúc chạy xe máy chở bạn là Nguyễn Thị Ngọc đi trên đường nông thôn số 9. Đến ngã tư băng qua đường Trần Văn Chẩm, xe của Trúc va chạm với ô tô do ông Huỳnh Nhật Hoài điều khiển. Vụ tai nạn giao thông làm chị Ngọc tử vong tại bệnh viện do chấn thương sọ não.
Trong cáo trạng cũ, VKS kết luận tài xế Hoài “có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái”; Trúc có lỗi chính điều khiển xe máy “không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ô tô đang đi trên đường chính, vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ”.
Trúc bị truy tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 2 Điều 202 BLHS. Tháng 3-2016, Trúc bị bắt tạm giam, ngày 23-1-2017 được cho tại ngoại.
TAND huyện Củ Chi đã mở ba phiên tòa để xét xử sơ thẩm vụ án nhưng phải hoãn để trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra bổ sung.
Theo đó, tòa đề nghị giám định tốc độ ô tô; xác định tốc độ được phép lưu thông trên đường xảy ra tai nạn; làm rõ điểm va chạm giữa hai xe; làm rõ chi tiết bị cáo cho rằng ô tô đụng vào xe bị cáo - ông Hoài cũng khai nhận ông lái ô tô đụng vào xe máy; ghi lời khai những người làm chứng; đề nghị CQĐT giải thích rõ vì sao không đo nồng độ cồn của tài xế ô tô…
Thạch Thị Bé Trúc tại TAND huyện Củ Chi. Ảnh: L.TRINH
Tại các phiên tòa, Trúc khẳng định người lái chiếc ô tô lúc va chạm không phải là ông Hoài mà là một người đàn ông tên Tùng. Ô tô chạy qua ngã tư với tốc độ rất cao và không mở đèn xe.
Đặc biệt, mẹ của nạn nhân Ngọc cũng khai sau lúc xảy ra tai nạn, có một người đàn ông tên Tùng đã đến bệnh viện thăm hỏi gia đình. Ông Tùng thừa nhận với gia đình bà rằng chính ông là người lái xe, đồng thời là chủ chiếc ô tô gây tai nạn.
Sau khi tòa trả hồ sơ, ngày 23-1-2017, CQĐT Công an huyện Củ Chi có kết luận điều tra bổ sung, khẳng định không đủ cơ sở giám định tốc độ ô tô vì ô tô không để lại vết phanh trên mặt đường. Tốc độ cho phép trên đường Trần Văn Chẩm là 60 km/giờ đối với ô tô. Phần đầu ô tô va chạm vào phần thân bên trái phía sau xe máy.
Theo CQĐT, kết quả đối chất giữa Trúc, Hoài và Lê Thanh Tùng (chủ chiếc ô tô) như sau:
Trúc khai sau khi xảy ra tai nạn, Trúc bị chấn thương đầu và chân trái. Lúc Trúc tỉnh lại thì thấy một người đàn ông thể trạng mập, ngồi trên ghế tài xế cho xe chạy tới rồi lui. Sau đó người này xuống xe, nhờ người dân đưa Ngọc đi cấp cứu. Trúc biết người này tên Tùng.
Hoài khai chính mình là người lái xe, lúc xảy ra tai nạn đã gọi điện thoại nhờ Tùng tới giúp đưa nạn nhân đi bệnh viện. Còn Hoài đi khỏi hiện trường, đến công an xã trình báo sự việc.
Tùng cũng thống nhất lời khai với Hoài, nói mình là chủ xe chứ không phải tài xế. Lúc Tùng đến hiện trường đã kêu Hoài lánh đi vì sợ người dân đánh. Tùng lên xe định lùi xe lại đưa nạn nhân ra (nạn nhân Ngọc đang kẹt trong gầm ô tô) nhưng xe bị hư hỏng không lùi được. Đèn xe cũng bị hư nên Tùng bước xuống xe và đưa Ngọc đi cấp cứu.
Theo CQĐT, Đại úy Bùi Tuấn Phương là cán bộ nhận tin báo và đến hiện trường xử lý tai nạn. Khi Đại úy Phương đến không thấy tài xế Hoài. Bản thân Hoài không bị thương tích gì nên không đến bệnh viện, không lấy máu để xét nghiệm độ cồn. Đến ngày 31-3-2015, Hoài mới đến Công an huyện Củ Chi trình báo sự việc nên không thể kiểm tra được nồng độ cồn...
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin tới bạn đọc.