Vụ cởi áo ngực ở biển Cửa Lò: Vui thôi, đừng vui quá!

(PLO)- Từ vụ các chị em cởi áo chơi trò team building ở Cửa Lò cho thấy bãi biển không thuộc sở hữu tư nhân thì đó vẫn là một nơi được gọi là “công cộng”. Đừng dại mà đi so sánh là tại sao đàn ông cởi được, phụ nữ không cởi được.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây, đoạn clip “team building ở Cửa Lò” được chia sẻ rầm rộ ở trên mạng với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, một công ty nọ chia nhiều đội chơi trò “Đưa nước về nguồn”, vật dụng tiếp nước là áo phông, mũ, khăn, quần nhưng nhiều thành viên nữ trong cơn hiếu thắng đã sẵn sàng cởi quần lộ quần lót trắng phong phanh ướt đẫm vì nước biển và để ngực trần vì áo ngực được các cô tận dụng làm dụng cụ tiếp nước cho đồng đội. Xung quanh team khi ấy có rất nhiều người già trẻ lớn bé đang hồn nhiên tắm biển và vô tình phải chứng kiến những màn khoe thân quá đà.

Trò chơi phản cảm của nhóm du khách vào chiều 27-7 ở bãi biển Cửa Lò.

Trò chơi phản cảm của nhóm du khách vào chiều 27-7 ở bãi biển Cửa Lò.

Sau vụ việc, phòng Văn hoá thị xã Cửa Lò đã mời người tổ chức sự kiện lên làm việc, căn cứ theo Điều 7, mục 1, chương 2 Nghị định 144 về hành vi gây mất trật tự trong hoạt động văn hóa, thể thao nơi công cộng, lập biên bản và xử phạt hành chính người này 400.000 đồng.

Bãi tắm biển Cửa Lò. Ảnh: ĐẮC LAM
Bãi tắm biển Cửa Lò. Ảnh: ĐẮC LAM

Có ý kiến cho rằng phạt hành vi này là thiếu nhân văn. Người ta cởi trên bãi biển chứ có phải cởi trên đường phố đâu. Vả lại, vui chơi thể thao ồn là bình thường, không ồn ào mới là sự bất bình thường! Tôi thấy hiểu như vậy là có một sự lầm lẫn ở đây. Bãi biển không thuộc sở hữu tư nhân thì đó vẫn là một nơi được gọi là “công cộng”. Vui chơi ồn ào náo nhiệt trên biển thì là bình thường nhưng trong trường hợp này người ta đã tổ chức những hoạt động vui chơi có yếu tố phản cảm và gây ảnh hưởng đến không gian công cộng. Như thế nào là “phản cảm”, “gây mất trật tự công cộng” thì tuỳ theo tính chất sự việc và văn hoá từng nơi mà người ta sẽ có cách áp dụng cho hợp lý. Khoan bàn đến cơ sở pháp lý xử phạt người tổ chức sự kiện trong trường hợp này liệu có thỏa đáng hay không, nhưng việc để người chơi cởi kiểu đó là không chấp nhận được, dễ tạo tiền lệ không hay.

Hiện tại, người tổ chức sự kiện bị phạt vì hành vi này. Còn những người phụ nữ trong clip thì rất khó để xử phạt. Trước kia theo Nghị định 173/2010 thì hành vi không mặc quần áo khi đi ra đường vì vi phạm nếp sống văn minh sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 60-100.000 đồng. Tuy nhiên Nghị định 167/2013 thay thế Nghị định 173 đã bỏ hẳn quy định này.

Ngày 2-3-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch nhằm định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên - không nên làm khi đến mỗi địa danh, trong đó có các quy tắc như xếp hàng theo thứ tự, tuân thủ giờ giấc, trang phục lịch sự, ứng xử văn minh.

Tuy nhiên, bộ quy tắc ứng xử chỉ mang tính khuyến khích chứ không phải quy định pháp luật về xử phạt mang tính chế tài, không có tác dụng ngăn chặn tình trạng này. Song, cần phải nhấn mạnh một điều rằng những hành vi đó trong bối cảnh xã hội hiện tại là không hề phù hợp. Bạn hoàn toàn có thể mặc quần lót ở biển. Tuy nhiên quần lót rất khác quần bơi về đặc tính. Thế nên, một chiếc quần lót ướt đẫm khi vui chơi dưới biển sẽ khiến bạn dễ lộ hàng trước bao nhiêu con mắt của bàn dân thiên hạ. Nó thể hiện sự thiếu ý tứ của người phụ nữ.

Còn hành vi cởi áo ngực thì thuộc dạng “quá khích”. Ở nhà bạn, bạn cởi ở đâu, trước mặt ai tuỳ thích. Nhưng chốn công cộng bao gồm bao nhiêu đồng nghiệp, sếp, bao nhiêu người xa lạ thì họ sẽ nghĩ gì về bạn? Sếp mà đầu óc đen tối, cơ hội thì có khi xếp bạn vào loại “đi tiếp khách” kiếm hợp đồng cho công ty. Đồng nghiệp nam có khi bấm bụng chờ cơ hội xem xơi được miếng nào không. Đừng trách nếu bị quấy rối, sàm sỡ vì bạn tạo cơ hội cho họ nghĩ về bạn “chịu chơi” như thế. Trẻ con xung quanh nó nhìn vào nó học được gì từ bạn hay bị kích thích vì hình ảnh đồi trụy từ sớm?

Đừng so sánh bãi biển phương Tây và bãi biển Việt Nam để biện hộ cho hành vi của mình. Nhiều nước cởi mở như Pháp cho khỏa thân trên một số bờ biển Riviera và Atlantic. Nhưng tại bờ biển nhân tạo dọc sông Seine, khỏa thân được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Hay từ năm 2018 Cục Quản lý công viên và giải trí của bang California ra thông báo sẽ cấm khỏa thân trên bãi biển Đen. Người vi phạm sẽ bị phạt 250 USD. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị bắt và đưa ra tòa. Nguyên nhân ban hành lệnh cấm là do nhiều du khách phàn nàn rằng khỏa thân dễ dẫn đến nạn quấy rối tình dục và người tắm biển ngày càng đông nên không thể xem bãi biển Đen là khu vực riêng cho người khỏa thân.

Ở những nước cởi mở như thế nhưng việc khỏa thân trên bãi biển cũng có khu vực riêng. Không phải thích cởi là cởi. Bao nhiêu gã đàn ông ngồi trước màn hình cổ suý cho chị em cởi trần vì đó là “bình đẳng nam nữ” có thể chấp nhận vợ hay người yêu mình lột ra giữa chốn đông người như thế? Đừng dại mà đi so sánh là tại sao đàn ông cởi được, phụ nữ không cởi được. Bình đẳng giới không phải là đàn ông được làm gì thì phụ nữ cũng được làm thế, mà ta phải hiểu sự khác biệt về giới để học cách sống với những khác biệt của mình. Đàn ông để ngực trần chẳng mấy ai liên tưởng sâu xa. Mà phụ nữ để ngực trần, đàn ông sẽ nhanh tay zoom to ra để nhìn cho rõ. Đừng bắt họ “trân trọng cơ thể người” vì đó là phản ứng sinh lý tự nhiên. Đó là chưa kể cơ thể mình bị mang ra đàm tiếu “nhão nhoẹt”, “xập xệ” không đáng có. Nên, liệu liệu mà biết giữ gìn. Còn chồng, còn con ở nhà. Họ sẽ nghĩ gì? Bàn phím trên mạng không giúp bảo vệ nổi gia đình bạn trừ sự tự ý thức của chính bạn.

Vui thôi, đừng vui quá!

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm