Phát biểu quan điểm của VKS về vụ án, kiểm sát viên Phạm Minh Yến cho biết, VKSND cấp cao tại HN đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bốn bị cáo về vấn đề tội danh và hình phạt. VKS cũng không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Giang Văn Hiển và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc xử lý tang vật vụ án.
Đại diện VKS cũng khẳng định trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Liêm giữ vai trò chính, Giang Kim Đạt là đồng phạm tích cực, Trần Văn Khương là đồng phạm. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của Vinashinlines là hơn 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng). Trong đó, Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Giang Kim Đạt hơn 255 tỷ đồng, Trần Văn Khương 110.000 USD.
Cũng theo VKS, Giang Kim Đạt đã thông qua bố là Giang Văn Hiển sử dụng số tiền chiếm đoạt nói trên mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 xe ô tô; ngoài ra còn mua một số bất động sản tại Singapore và Anh.
Đại diện VKS cũng dẫn lại lời khai của Giang Kim Đạt về việc Đạt nhờ mở nhiều tài khoản để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng Việt Nam. “Hiển nhận thức rõ số tiền này là bất hợp pháp”- bà Yến nhấn mạnh.
Liên quan đến kháng cáo của bị cáo Giang Văn Hiển và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về việc kê biên 37 nhà, đất và hai xe ô tô đứng tên Hiển và người thân, VKS cho rằng toàn bộ số tài sản này đều được mua sau khi có khoản tiền 255 tỷ đồng nói trên nên có cơ sở xác định số tài sản này là tang vật của vụ án.
Về hai nhà đất đứng tên con gái của bị cáo Hiển là Giang Thu Vân, VKS cho rằng Vân đứng ra đặt cọc và đứng tên trên giấy tờ nhưng người bán đã khai nhận bị cáo Hiển là người trực tiếp đứng ra thực hiện giao dịch. “Vân đứng tên nhưng thực chất là tài sản của Hiển, có nguồn gốc từ số tiền do phạm tội mà có”- VKS nêu quan điểm.
Ngoài ra, VKS cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm xác định Vinashinlines mới là nguyên đơn dân sự trong vụ án (trong khi bản án sơ thẩm xác định Vinashin là nguyên đơn dân sự).