Vụ Giang Kim Đạt: Con tham ô, cha rửa tiền

Trước đó, ngày 22-2, TAND TP Hà Nội tuyên hai án tử hình, một án chung thân trong vụ án nói trên, trong đó 3/4 bị cáo nhận mức án cao hơn đề nghị trước đó của VKS.

Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên sơ thẩm

Cụ thể, trong nhóm bị cáo phạm tội tham ô tài sản, Giang Văn Đạt và cựu Tổng giám đốc Vinashinlines Trần Văn Liêm bị tuyên tử hình (VKS đề nghị tuyên bị cáo Liêm tù chung thân);

Cựu kế toán trưởng Vinashinlines Trần Văn Khương bị tuyên phạt tù chung thân (VKS đề nghị 20 năm tù).

Riêng bị cáo Trần Văn Liêm đang phải chịu bản án phúc thẩm 19 năm tù trong vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vinashin, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Bị cáo Giang Văn Hiển, cha Giang Văn Đạt, bị tuyên phạt 12 năm tù về tội rửa tiền (VKS đề nghị 8-9 năm tù).

“Tại tòa, các bị cáo thay đổi lời khai khác với lời khai tại CQĐT, tuy nhiên các bị cáo lại không có tài liệu, chứng cứ gì mới”- bản án nêu.

HĐXX sơ thẩm cũng khẳng định có đủ cơ sở kết luận trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Liêm giữ vai trò chính, Giang Kim Đạt là đồng phạm tích cực, Trần Văn Khương là đồng phạm.

Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của Vinashinlines là hơn 16 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng). Trong đó, Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Giang Kim Đạt 255 tỷ đồng, Trần Văn Khương 110.000 USD.

Về hành vi rửa tiền của Giang Văn Hiển, tòa kết luận Đạt đã nhờ cha mở 22 tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng, các đối tác nước ngoài đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản này. Tổng số tiền ông Hiển nhận là gần 16 triệu USD.

Sau khi nhận được tiền, Hiển đã mua 40 bất động sản đứng tên người thân trong gia đình, mua đi bán lại 13 xe ô tô. Hiển nhận thức được số tiền nhận được là bất hợp pháp nhưng vẫn tích cực thực hiện, việc Đạt nhờ mở nhiều tài khoản là để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Bị cáo Giang Văn Hiển, cha của Giang Kim Đạt

Toà cũng kiến nghị Bộ Công an phối hợp với Singapore và Vương quốc Anh để thu hồi căn hộ do Đạt mua ở đây sung công quỹ.

HĐXX nhận định, các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 260 tỷ đồng, gây dư luận xấu trong xã hội, cần có mức hình phạt nghiêm khắc ở mức cao trong khung hình phạt mới có tác dụng giáo dục các bị cáo...

HĐXX cũng xác định số tiền 255 tỷ đồng mà bị cáo Hiển nhận là bất hợp pháp, các tài sản đều được mua sau khi Hiển nhận tiền của Đạt. Toàn bộ số tiền mua nhà, đất, xe ô tô nằm trong số tiền chiếm đoạt tiếp tục kê biên để bảo đảm thi hành án và bồi thường cho nguyên đơn dân sự. Toàn bộ số tài sản này sau khi khấu trừ các khoản nợ, nếu còn sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Lãnh án tử hình, Giang Văn Đạt vẫn mỉm cười  khi rời tòa

Đây là vụ án có nhiều tình tiết gây nhiều tranh luận, chẳng hạn, bị cáo Trần Văn Liêm được xác định là người chủ mưu nhưng lại được hưởng lợi thấp nhất, ít hơn nhiều so với các người đồng phạm giúp sức.

Đáng chú ý, tất cả các luật sư tham gia vụ án đều đồng loạt đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung. Luật sư của Giang Kim Đạt cho rằng bị cáo không thỏa mãn các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội tham ô tài sản...  

Luật sư cũng cho rằng có sự không thống nhất, mâu thuẫn trong việc chứng minh có sự trao đổi, bàn bạc, chỉ đạo của Liêm với Đạt; thiếu chứng cứ chứng minh Đạt có sự thỏa thuận với công ty môi giới nước ngoài; không đủ chứng cứ xác thực xác định số tiền quy Đạt chiếm đoạt; số tài sản được bị cáo Hiển chuyển hóa chưa được định giá theo đúng quy định của pháp luật...

“Khi quyết định mức hình phạt tử hình đối với bị cáo Đạt thì thực sự chưa yên tâm trước chứng cứ như vậy!”- luật sư của Giang Kim Đạt phát biểu tại tòa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm