Trên báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 9-3 có bài viết “Mất gần 350 triệu đồng với chiêu trò nâng cấp SIM 4G”. Bài viết thông tin việc bà Lê Thị Kiều Nga (ngụ phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM) bị mất gần 350 triệu đồng trong tài khoản khi bị các đối tượng lừa đảo thông qua việc nâng cấp SIM 4G.
Liên quan đến vụ việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc việc người bị lừa mất tiền biết được số tài khoản và ngân hàng nhận số tiền này nhưng tại sao không lấy tiền lại được. Người bị hại phải làm thế nào để nhận lại số tiền bị lừa.
Bà Nga trình bày sự việc với PV Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Biết được tài khoản người nhận tiền
Cụ thể, vào ngày 11-2, bà Nga được một người phụ nữ gọi đến tự xưng là nhân viên của nhà mạng MobiFone, gọi tới để nâng cấp SIM 4G cho khách hàng.
Sau khi được nhân viên này đọc đúng họ tên, số CCCD nên bà đã tin tưởng và làm theo hướng dẫn. Nhân viên này yêu cầu bà Nga chỉ cần đọc dãy số khi có tin nhắn gửi đến là đã có thể hoàn tất thủ tục nâng cấp SIM 4G.
Sau khi làm theo hướng dẫn, bà Nga phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị mất 346 triệu đồng. Được sự hỗ trợ từ Công an phường 14, quận Gò Vấp, bà Nga được biết số tiền này chuyển từ Ngân hàng Shinhan Bank (ngân hàng bà Nga mở tài khoản) qua số tài khoản mang tên LTT tại Ngân hàng MBBank.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nga cho biết mới đây bà đã liên hệ với Ngân hàng MBBank để yêu cầu phong tỏa tài khoản người đã nhận 346 triệu đồng của bà nhưng ngân hàng này cho biết không thể phong tỏa theo yêu cầu cá nhân. Đồng thời, ngân hàng này hướng dẫn bà liên hệ Ngân hàng Shinhan Bank để được hỗ trợ giải quyết.
“Ngân hàng MBBank hướng dẫn tôi liên hệ với Ngân hàng Shinhan Bank để làm việc. Khi nào Ngân hàng Shinhan Bank gửi công văn sang Ngân hàng MBBank đề nghị hỗ trợ phong tỏa tài khoản thì lúc đó, hai ngân hàng sẽ phối hợp xử lý phong tỏa tài khoản. Giờ tôi chỉ muốn các cơ quan chức năng, ngân hàng hỗ trợ phong tỏa tài khoản đó để số tiền không bị chuyển đi nơi khác. Đó là tất cả số tiền tôi dành dụm nhiều năm để dành cho thời gian nghỉ hưu” - bà Nga chia sẻ.
Khi nào được phong tỏa tài khoản
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV, ông Phạm Nhất Anh Pha, chuyên gia tín dụng một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM, cho biết theo quy định của ngành ngân hàng, các ngân hàng không thể phong tỏa tài khoản của một cá nhân theo yêu cầu của một cá nhân khác vì khách hàng không có quyền đó.
Trong trường hợp này, bà Nga cũng không thể yêu cầu ngân hàng cho xem số dư, thông tin tài khoản đã nhận 346 triệu đồng. Về nguyên tắc, thông tin của khách hàng được ngân hàng bảo mật tuyệt đối. Trừ trường hợp có các quyết định, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Cũng theo ông Phạm Nhất Anh Pha, trong trường hợp này, số tiền bị mất trong tài khoản liên quan đến một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đang được cơ quan công an thụ lý giải quyết. Do đó, để phong tỏa được tài khoản đã nhận 346 triệu đồng, ngăn chặn việc số tiền bị tẩu tán hoặc chuyển sang tài khoản khác thì phải có văn bản từ phía cơ quan công an, đề nghị tạm thời phong tỏa tài khoản để phục vụ cho quá trình điều tra.
PV cũng đã liên hệ với Công an quận Gò Vấp để biết thêm thông tin về vụ việc trên nhưng chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này.•
Ba trường hợp được phong tỏa tài khoản Điều 17 Thông tư 23/2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2019) của Ngân hàng Nhà nước quy định tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau: - Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. - Khi phát hiện có sự nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót. - Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung. Như vậy, trong trường hợp này, bà Nga đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 346 triệu đồng trong tài khoản thì để phong tỏa được tài khoản của người nhận, phải có văn bản từ phía cơ quan công an. Khi đó, ngân hàng mới có căn cứ để phong tỏa tài khoản của một cá nhân. Luật sư LÊ DŨNG,ĐoànLuật sư TP.HCM |