Vụ Nguyễn Phương Hằng: TP.HCM lẫn Bình Dương đều khởi tố, điều tra và các khả năng pháp lý

(PLO)- Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng; trong khi ở TP.HCM, VKS cũng vừa có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, sau đó phê chuẩn lệnh tạm giam thêm bà Hằng gần hai tháng.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã gửi đến bà Đinh Thị Lan (bị hại - PV) thông báo về việc kết thúc điều tra vụ án hình sự “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” mà bà Nguyễn Phương Hằng là bị can.

Theo thông báo trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ban hành Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 196/BKLĐT-VPCQCSĐT ngày 31-8-2022 và chuyển toàn bộ hồ sơ đến VKSND tỉnh Bình Dương đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng.

LS bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Đức Hiển cho biết ngày 6-12-2021, ông Hiển gửi đơn tố giác bà Phương Hằng. Tuy nhiên, sau nhiều lần được Công an TP.HCM mời đến làm việc thì đến nay ông Hiển vẫn không được xác định bất cứ tư cách tố tụng nào trong vụ án.

Vì vậy, LS kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, VKSND TP.HCM thông báo cho LS và ông Nguyễn Đức Hiển được biết kết quả giải quyết đơn tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của ông Hiển. Trong trường hợp không thông báo được, LS đề nghị các cơ quan này trả lời bằng văn bản, ghi rõ lý do của việc không thông báo được.

Được biết trước đó đã có nhiều cá nhân có đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng đến Công an tỉnh Bình Dương.

VKSND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung

Trong diễn biến mới nhất, VKSND TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Lý do, VKS nhận định cơ quan điều tra cần làm rõ vai trò đồng phạm, xem xét việc nhập vụ án liên quan đến bị can Hằng do Công an tỉnh Bình Dương khởi tố nhằm giải quyết triệt để vụ án.

Sau khi VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra lệnh tạm giam bà Phương Hằng thêm gần hai tháng. Lệnh này đã được VKSND TP.HCM phê chuẩn.

Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 24-3. Đến ngày 18-8, đơn vị này đã hoàn tất điều tra và đề nghị truy tố bị can.

Theo kết luận điều tra, bà Phương Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng Internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni).

Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định các buổi livestream của bà Phương Hằng còn có sự hỗ trợ, giúp sức của các cá nhân: Ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà, bà Nguyễn Thị Mai Nhi, ông Đặng Anh Quân, ông Nguyễn Đình Kim.

Đối với những cá nhân liên quan, tham gia giúp sức, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả. Khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo pháp luật.

Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng hôm 24-3. Ảnh: CA

Không nhập vụ án: Tổng hợp hình phạt ra sao?

Liên quan đến vụ bà Nguyễn Phương Hằng, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội ngày 6-5, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết do phía Công an TP.HCM và Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án với tội danh giống nhau. Chính vì thế, Công an tỉnh Bình Dương đã có văn bản thống nhất với Công an TP.HCM và Bộ Công an theo hướng nhập hồ sơ cho phía Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra làm rõ theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với thông tin như nội dung trong thông báo mà Công an tỉnh Bình Dương gửi bà Lan thì dường như Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vẫn độc lập điều tra vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” mà bà Phương Hằng là bị can xảy ra tại Bình Dương.

Vấn đề pháp lý đặt ra là khi Công an tỉnh Bình Dương đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng cùng tội danh mà Công an TP.HCM đã đề nghị truy tố trước đó, đồng thời VKSND TP.HCM cũng ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với lý do cần làm rõ vai trò đồng phạm, xem xét việc nhập vụ án mà Công an tỉnh Bình Dương đang giải quyết thì việc xét xử và tổng hợp hình phạt sẽ được giải quyết như thế nào?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho biết với tình huống trên thì có thể xảy ra hai trường hợp: Hai địa phương sẽ tiến hành nhập vụ án để giải quyết hoặc không nhập vụ án mà xử lý độc lập.

Đối với trường hợp không nhập vụ án thì tòa án hai tỉnh, TP sẽ xét xử độc lập với nhau. Mức án mà bà Phương Hằng phải nhận sẽ do tòa nào xét xử sau tổng hợp hình phạt của cả bản án trước đó.

Việc tổng hợp hình phạt của hai bản án sẽ được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 56 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Trường hợp vụ án được nhập thì lúc này sẽ chỉ do một tòa án xét xử, đưa ra một mức án và sẽ xét xử với tình tiết phạm tội nhiều lần.

Cũng theo LS Vũ Phi Long, trên thực tế khi xét xử vụ án được nhập lại thường có mức án thấp hơn việc không nhập vụ án.

Bà Phương Hằng bị tố cáo nhiều hành vi phạm tội

Theo Công an tỉnh Bình Dương, đơn vị này nhận được đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng từ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển và bà Đinh Thị Lan.

Những người này tố giác bà Nguyễn Phương Hằng về các hành vi “làm nhục người khác”, “vu khống” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tuy nhiên, hiện nay Công an TP.HCM và Công an tỉnh Bình Dương mới chỉ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trước đó, theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, Công an TP.HCM đã ra thông báo nhập đơn của bà Hàn Ni tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng mà Công an TP.HCM đã khởi tố bà Phương Hằng trước đó để điều tra chung.

Cụ thể, bà Đặng Thị Hàn Ni tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng có hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của cá nhân và đe dọa giết người.

Theo Công an TP.HCM, do đơn tố giác về tội phạm của bà Hàn Ni có liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng nên Công an TP.HCM đã nhập đơn này vào vụ án đang điều tra để điều tra chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới