Vụ Nông trường Sông Hậu: Pháp luật và sự “thỏa đáng”

Dư luận hiện đang rộ lên nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với việc kết tội bà Trần Ngọc Sương trong vụ án “lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu. Nhìn lại những đóng góp của bà Sương và cha bà trước đó trong việc gầy dựng, phát triển cơ ngơi của nông trường, hình thành một hình mẫu phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều ý kiến băn khoăn liệu có cần thiết và có nên đưa bà Sương ra tòa kết án như thế không. Sai phạm của bà Sương (nếu có) liệu có đến mức phải dùng biện pháp hình sự? Mức án tám năm tù và số tiền phải bồi thường hơn bốn tỉ đồng mà tòa tuyên đã thỏa đáng?

Có công thì thưởng, có tội thì trừng. Không ai phủ nhận điều đó. Tòa án chắc chắn không phải không có những căn cứ, lý lẽ để đưa ra phán quyết dựa vào quy định cụ thể của pháp luật. Nhưng ở đây thử nhìn rộng hơn ra ngoài bản án để lý giải nguyên nhân của những băn khoăn từ dư luận.

Vụ Nông trường Sông Hậu: Pháp luật và sự “thỏa đáng” ảnh 1

Lúa của Nông trường Sông Hậu trong mùa thu hoạch. Ảnh: GIA TUỆ

Nguồn gốc “quỹ trái phép”

Bản án xác định “quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu hình thành từ năm 1994 khi ông Trần Ngọc Hoằng (Anh hùng Lao động, cha của bà Sương - PV) còn làm giám đốc. Sau này, bà Sương tiếp tục duy trì quỹ này.

Theo bà Sương, quỹ trên là quỹ đời sống. Vào thời điểm thành lập, nó là quỹ hợp pháp nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của nông trường viên, trợ cấp khó khăn cho họ. Để có nguồn thu cho quỹ, ông Năm Hoằng đã chủ trương cho nông trường tận dụng mương, đìa nuôi cá, đất không thể trồng lúa để trồng bạch đàn, tận dụng bờ liếp trồng nấm mèo, nấm rơm, tận dụng mặt nước ngoài diện tích sản xuất thả chà (cành cây) để nuôi thủy sản theo lối quảng canh. Khi thu hoạch, gỗ chính phẩm của cây bạch đàn thì làm ván đóng bàn ghế, gỗ làm nhà là nguồn thu cho nông trường, các phế phẩm, cành ngọn nông trường viên tận thu bán củi, đưa vào quỹ đời sống...

4,3 tỉ đồng chi vào việc gì?

Từ năm 2000 đến 2007 (thời gian bà Sương tiếp quản và duy trì quỹ), tổng thu cho quỹ đời sống nói trên là 9,1 tỉ đồng. Trong đó có 4,7 tỉ đồng cơ quan tố tụng cho rằng chi phí hợp pháp nên không đề cập, còn 4,3 tỉ đồng cơ quan tố tụng cho rằng đã thu chi sai nên buộc bà Sương hoàn trả.

Trong số tiền 4,3 tỉ đồng này, theo bà Sương, đã chi cho các cán bộ, nhân viên nông trường đi công tác, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước hơn 2,5 tỉ đồng. Bà Sương cho biết mình không trực tiếp duyệt chi công tác phí cho bản thân và nhân viên từ nguồn quỹ mà chỉ “xác nhận công tác” và công đoàn coi xác nhận này là cơ sở để xem xét chi tiền. Bản án buộc bà Sương bồi thường toàn bộ khoản chi thiếu chứng từ mà không đề cập đến việc làm rõ thực tế có hay không việc chi các khoản công tác phí này.

Liên quan đến cá nhân bà Sương có hai khoản chi: Năm 2003, bà Sương được UBND TP Cần Thơ bán hóa giá một căn nhà trị giá 280 triệu đồng nhưng bà không có tiền để mua. Ban chấp hành Công đoàn nông trường quyết định xuất quỹ đời sống mua cho bà Sương căn nhà này. Việc chi này bị kết luận là trái phép và buộc bà Sương phải hoàn trả.

Ngoài ra, trong suốt bảy năm từ 2001 đến 2007, Công đoàn nông trường đã nhiều lần mua quà tặng nhân dịp sinh nhật bà Ba Sương. Trong số quà tặng này có ba sổ tiết kiệm, tổng giá trị hơn 200 triệu đồng, bị kết luận là chi sai và buộc hoàn trả.

Tòa áp dụng khoản 4 Điều 166 Bộ luật Hình sự (có xem xét các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác) để xử bà Ba Sương tám năm tù.

Vụ Nông trường Sông Hậu: Pháp luật và sự “thỏa đáng” ảnh 2

Ghe chở cá từ ao của nông dân. Ảnh: GIA TUỆ

Vì sao dư luận không đồng tình?

Bản án trên bị dư luận phản ứng. Vì sao?

Trước hết, xét mục đích của cái gọi là “quỹ trái phép” này. Nếu đúng quỹ này lập ra từ nguồn thu phụ, tận dụng phế phẩm, phụ phẩm, tiết kiệm tư liệu sản xuất; được dùng vào việc trợ cấp khó khăn, nâng cao đời sống người lao động, chi phí đi công tác nhằm xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất kinh doanh góp phần tăng thu cho nông trường thì đây là loại quỹ “tích cực”. Nó hoàn toàn khác với các trường hợp lập quỹ đen để chia chác, tư lợi, tư túi.

Ở thời điểm hình thành, quỹ này là một khoản hỗ trợ cần thiết, góp phần động viên cán bộ, nhân viên, người lao động trong lao động, sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của nông trường. Sau này, bà Ba Sương và cộng sự hoàn toàn có thể chuyển đổi nguồn quỹ này cho phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng rất tiếc điều đó đã không được thực hiện một cách chu đáo. Bà đã không nhận ra rằng cùng với sự thay đổi của pháp luật, cái quỹ đời sống ngày nào giờ đã thành “trái phép” và “gây hậu quả” đối với trật tự quản lý kinh tế. Vì thế bà được dư luận cảm thông.

Ở đây phải chăng pháp luật còn bất cập, chưa dự liệu để xử lý thỏa đáng một số vấn đề trong bước chuyển đổi về cơ chế kinh tế-tài chính. Không thể phủ nhận trong thời kỳ kinh tế khó khăn, cơ chế còn ràng buộc, “quỹ đời sống” có vai trò của nó. Sau này, việc “mở đường” chuyển đổi, hợp thức nó cũng cần tính đến. Gom vào một giỏ, không phân biệt “quỹ có tác dụng tích cực nhưng trái luật” với loại quỹ tư túi, tư lợi, “ăn gian” nhà nước xem ra chưa thấu lý đạt tình.

Đó là chưa kể trên thực tế, ngay tại Cần Thơ có những vụ vi phạm tương tự nhưng lại không được xử lý quyết liệt. Chính sự thiếu nhất quán trong việc xử lý các vụ sai phạm này càng khiến dư luận không đồng tình với mức án dành cho bà Sương. Sự bức xúc ấy không phải là không có cơ sở.

Ngoài ra về nhân thân, bà Ba Sương cũng như người cha anh hùng của bà đã cống hiến trọn cuộc đời cho xã hội và được xã hội ghi nhận. Về cuối đời, bà cũng chỉ có cuộc sống giản dị như mọi nông trường viên khác. Người ta cho rằng bà là người sống hết mình vì cái chung, có sai phạm thì uốn nắn chứ không đáng, không nên “trừng trị” như vậy.

Tính “thỏa đáng” của bản án đang được dư luận đặt trên bàn cân. Có thể việc kết tội của tòa án là có căn cứ pháp luật nhưng như đã nói, có những điều nằm đằng sau bản án cần được xem xét đến.

Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ: Không thể chỉ dựa vào lý!

Tòa án xét xử thế nào chỉ có thể căn cứ vào hồ sơ. Tuy nhiên, xử lý hình sự, tuyên án một người không thể chỉ dựa vào lý mà còn phải vào nhân thân của người đó. Chính vì vậy, Điều 8 Bộ luật Hình sự có quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

Tôi quan tâm vụ án này ở khía cạnh hậu quả và hiệu quả xã hội của bản án. Vụ án đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội với những ý kiến đa dạng, trái chiều.

Trước một vụ việc như vậy, khi bị cáo có đơn khiếu nại giám đốc thẩm thì TAND Tối cao sẽ phải rút hồ sơ lên xem xét, thậm chí phải ưu tiên xem xét trước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Có điều chưa nhuần nhuyễn

Qua theo dõi báo chí, tôi thấy việc giải quyết vụ án này không dám khẳng định là sai nhưng có điều gì đó chưa được nhuần nhuyễn.

Bởi vận dụng pháp luật phải theo tình hình cụ thể, pháp luật cụ thể của thời điểm xảy ra sự việc. Trong tình hình luật pháp đang hoàn thiện, đang có nhiều đổi mới, không thể lấy tư duy ngày hôm nay để áp đặt, xét xử những vụ việc ngày xưa. Khi xử lý một vụ việc như vậy cần mổ xẻ xem trách nhiệm của nhà nước. Các cơ quan giám sát, quản lý biết việc đó như thế nào, chấn chỉnh việc đó ra sao.

Bây giờ, thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm thuộc viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao. Còn việc có nên hoãn thi hành án, về tình cảm con người, với tư cách một đại biểu Quốc hội, tôi hoàn toàn đồng tình.

Ông Lư Văn Điền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ: Phải thận trọng và có tình

Ở sự việc này, tôi nghĩ phải xử lý thận trọng nhưng đáng tiếc sự việc bung ra, phải xử lý hình sự. Kinh tế nước ta thời gian vừa qua phát triển rất năng động với tốc độ nhanh. Trong khi đó, luật pháp không theo kịp sự phát triển của kinh tế. Có những việc làm quy chiếu, so với quy định trước kia có khi không sai đến mức xử lý hình sự nhưng với luật pháp bây giờ lại là sai, phải xử lý. Việc tòa án kết án Ba Sương tôi không nói nặng nhẹ nhưng tôi nghĩ phải có tình có lý.

NGHĨA NHÂN - GIA TUỆ ghi

ĐỨC HIỂN - HUỲNH LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm