Vụ Nông trường Sông Hậu: Đâu là sự bình đẳng?

Vì thế, lẽ ra trước phán quyết “tù ngồi”và bắt bồi thường hơn bốn tỉ đồng của TAND TP Cần Thơ đối với bà Ba Sương, dư luận xã hội phải bày tỏ sự công phẫn trước tội phạm, hoan nghênh hình phạt của nhà nước...

Nhưng không! Hàng loạt ý kiến đã bày tỏ sự băn khoăn về phán quyết đã có hiệu lực pháp luật này. Bên cạnh nhiều tình tiết của vụ án và cá nhân bị cáo Sương, có một vấn đề khiến dư luận không đồng tình trước thái độ chống tội phạm “quỹ đen” của Cần Thơ. Dường như ở đây thiếu một sự bình đẳng, là nguyên tắc hàng đầu của tố tụng hình sự, trong xử lý cán bộ lập và xà xẻo công quỹ ở Cần Thơ?

Vụ Nông trường Sông Hậu: Đâu là sự bình đẳng? ảnh 1

Bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-11. Ảnh: GVT (VNN)

Thật thế, cùng thời điểm “vụ quỹ đen” ở Nông trường Sông Hậu nổ ra, vào tháng 3-2009 dư luận thấy VKSND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ ra các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với bảy cá nhân trong vụ án “lập quỹ trái phép” tại Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều. Các bị can gồm nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng, nguyên phó giám đốc Công ty Công trình đô thị, nguyên trưởng Ban Quản lý dự án quận Ninh Kiều v.v… đã được tha do “chuyển biến của tình hình, hành vi của các cá nhân này không còn nguy hiểm cho xã hội, đồng thời đã khắc phục hậu quả”...

Thực tế cơ quan tố tụng Cần Thơ phát hiện “quỹ đen” trong vụ này được hình thành nhờ nguồn đo, vẽ hiện trạng nhà dân... với số tiền trên 7,2 tỉ đồng (từ năm 1992 đến 2005). Số tiền này phần lớn được chia chác cho gần 100 cá nhân, người nhận nhiều nhất là 360 triệu đồng. Sở Tài chính TP Cần Thơ xác định số tiền trên 7,2 tỉ đồng để lập quỹ trái phép tại cơ quan này đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 3,8 tỉ đồng.

Hoặc ở phiên họp thứ 28 (từ 12-10 đến 3-11) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua, trung ương đã rút hồ sơ lên để kỷ luật Trưởng ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ, nguyên chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ do thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về quản lý Quỹ Tấm lòng vàng của tỉnh. Đáng chú ý, lý do trung ương rút lên để kỷ luật là vì Ban Chấp hành Đảng bộ TP Cần Thơ đã không thi hành kỷ luật vị này dù sai phạm nghiêm trọng.

Sau khi phát hiện sai phạm về thu chi tại Liên đoàn Lao động TP, các cơ quan chức năng đã yêu cầu thu hồi, xuất toán trên 1,46 tỉ đồng. Trong đó, xuất toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 130 triệu đồng, nộp Ủy ban MTTQ TP trên 451 triệu đồng, nộp ngân sách Công đoàn trên 238 triệu đồng, nộp lại Quỹ Tấm lòng vàng hơn 639 triệu đồng...

Có ý kiến cho rằng sự việc trên có dấu hiệu tội phạm xà xẻo công quỹ, làm trái quy định nhà nước, việc trung ương rút lên để kỷ luật là còn quá nhẹ.

Ba vụ việc xảy ra cùng thời điểm, chỉ thấy Cần Thơ quá nghiêm khắc với bà Ba Sương về số tiền quỹ mà theo luật sư Nguyễn Đăng Trừng, chỉ là “các khoản tiền thu từ tận dụng đất đai... để trợ cấp ốm đau, thai sản, ma chay và hỗ trợ cất nhà ở cho nông trường viên...”.

Bộ trưởng Công an tuyên bố yêu cầu báo cáo, Ủy ban Tư pháp cho là sẽ giám sát. Nhưng dư luận thì không thể không đặt ba vụ việc trên cạnh nhau để tìm kiếm một thái độ duy nhất của Cần Thơ trước tội phạm.

PHAN MAI

Thủ tướng rất quan tâm đến vụ án này

Bộ Công an yêu cầu Công an TP Cần Thơ báo cáo.

Ngày 23-11, trao đổi với báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết ông rất quan tâm đến vụ án Nông trường Sông Hậu. Thủ tướng cho rằng thông tin hiện nay về vụ án là khá nhiều chiều nhưng xét xử thì phải đúng pháp luật, theo chứng cứ đã có trong hồ sơ. “Cái này phải để các cơ quan chức năng có trách nhiệm lắng nghe đầy đủ các luồng ý kiến, các thông tin để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mà pháp luật của ta thì có cả tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ. Quan trọng nhất là đúng pháp luật” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng ngày, khi trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cho biết: Bộ đã yêu cầu Công an TP Cần Thơ báo cáo lại toàn bộ quá trình điều tra vụ án Nông trường Sông Hậu. Nếu Bộ phát hiện có sai sót sẽ thẩm tra, xem xét lại. “Khi dư luận có ý kiến trái chiều thì mình cho kiểm tra, yêu cầu cấp dưới báo cáo lên xem việc đó như thế nào. Nếu phát hiện sai sót trong quá trình điều tra của cấp dưới thì sẽ phải sửa” - Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của báo giới “Nếu TAND tối cao hoặc VKSND tối cao kháng nghị bản án với bị cáo Trần Ngọc Sương, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?”, Bộ trưởng Lê Hồng Anh nói: “Kháng nghị bản án là quyền của hai cơ quan tố tụng đó, còn nội dung như thế nào phải xem rồi mới có quan điểm đồng tình hay không. Bộ Công an cũng sẽ thẩm tra, xem xét yếu tố nhân thân của bị cáo Sương ngay sau khi Công an Cần Thơ gửi báo cáo”.

THÀNH VĂN

Bà Trần Ngọc Sương kêu oan lên giám đốc thẩm

Ngày 23-11, bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, bị cáo trong vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường sông Hậu đã chính thức gửi đơn khiếu nại lên Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao để xin xem xét lại toàn bộ vụ án hình sự tại NTSH theo trình tự giám đốc thẩm.

Nguyên Giám đốc Nông trường sông Hậu khiếu nại kêu oan bản án 8 năm tù giam về tội lập quỹ trái phép và buộc hoàn trả lại cho Nông trường sông Hậu hơn 4,3 tỷ đồng mà Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ (cấp sơ thẩm) và Tòa án nhân dân TP Cần Thơ (cấp phúc thẩm) đã tuyên phạt là không có cơ sở.

Bà khiếu nại các cơ quan bảo vệ pháp luật TP Cần Thơ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đều không khách quan, vi phạm Luật Tố tụng hình sự gây oan ức cho bà.

Theo luật sư của bà Trần Ngọc Sương cho biết, bà Sương cũng vừa có đơn xin hoãn thi hành án của tòa vì lý do sức khỏe.

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm