Vụ Thủ Đức House: Thủ đoạn hợp thức hóa dòng tiền

(PLO)- Mạc Thành Nam khai chỉ đứng tên Công ty CAD giùm anh trai, không hề hưởng lợi từ việc kinh doanh của công ty mà chỉ nhận lương từ anh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-6, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm 67 bị cáo về 10 tội danh trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House), các đơn vị có liên quan.

Làm giả hợp đồng để chuyển tiền qua biên giới

Tại tòa, bị cáo Phạm Thị Hường (nhân viên Công ty Vùng đất máy tính, làm thuê cho Trịnh Tiến Dũng từ đầu năm 2018 đến tháng 12-2020) phủ nhận việc làm giả hợp đồng giữa các công ty trong nước và công ty nước ngoài.

Bị cáo Hường cho rằng làm đúng nghiệp vụ kế toán dựa vào bộ hồ sơ hoàn chỉnh đã nhận gồm có tờ khai nhập khẩu đã thông quan, hợp đồng mua bán, hóa đơn nước ngoài… từ bị cáo Mạc Thành Nam (giám đốc Công ty CAD). Hường cũng khai không biết về hành vi vận chuyển tiền trái phép của Trịnh Tiến Dũng…

Các bị cáo sau phiên xử. Ảnh: THẾ GIANG

Các bị cáo sau phiên xử. Ảnh: THẾ GIANG

Bị cáo này bị cáo buộc đã có hành vi thực hiện thủ tục chuyển tiền, quản lý công nợ, xuất hóa đơn, giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt số tiền hơn 538 tỉ đồng thông qua việc hoàn thuế giá trị gia tăng của Thủ Đức House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh. Hường hưởng lợi số tiền hơn 226 triệu đồng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội này.

Chưa hết, bị cáo Hường còn bị cáo buộc có hành vi thực hiện các thủ tục thanh toán, làm giả hợp đồng xuất nhập khẩu giữa các công ty trong và ngoài nước, tạo dòng tiền hợp thức hóa việc vận chuyển trái pháp luật số tiền hơn 994 tỉ đồng qua biên giới.

Bị cáo Hường bị truy tố, xét xử về hai tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Xin giảm nhẹ cho em trai vì chỉ đứng tên giúp

Tại tòa, bị cáo Mạc Thành Nam - em trai bị cáo Mạc Văn Nguyện (giám đốc Công ty Văn Nguyện) cho biết mình chỉ đứng tên Công ty CAD giùm anh trai.

Bị cáo này khai không hề hưởng lợi từ việc kinh doanh của công ty do mình đứng tên mà chỉ nhận lương từ anh là bị cáo Nguyện. Bị cáo chỉ thực hiện việc ký hợp đồng và giao hàng cho Công ty Sài Gòn Tây Nam tại Tây Ninh chứ không biết hợp đồng có nội dung gì, con dấu của công ty do ai quản lý…

VKS xác định Mạc Văn Nguyện trước đó bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, nay lại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý nên lần phạm tội này là tái phạm nguy hiểm.

Bị cáo Nam bị cáo buộc có hành vi giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt số tiền hơn 64 tỉ đồng thông qua việc hoàn thuế giá trị gia tăng của Công ty Sài Gòn Tây Nam. Bị cáo này còn có hành vi nhập lậu 39 lô hàng, trị giá hơn 72 tỉ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Nam còn sử dụng các công ty của Trịnh Tiến Dũng ở trong và ngoài nước ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa giả, kém chất lượng, tạo dòng tiền hợp thức hóa việc vận chuyển trái pháp luật gần 185 tỉ đồng từ Việt Nam (VN) ra nước ngoài và ngược lại.

Bị cáo này bị xét xử với ba tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Tại tòa, bị cáo Mạc Văn Nguyện kính mong HĐXX xem xét việc đứng tên của em trai mình không có mục đích vụ lợi.

Nguyện cũng bị xét xử về ba tội danh như em trai mình là bị cáo Mạc Thành Nam nhưng hành vi phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn. Bị cáo này bị cáo buộc vận chuyển trái phép số tiền lên đến hơn 1.155 tỉ đồng…

VKSND Tối cao còn xác định Nguyện đã tái phạm, trước đó bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, nay lại phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý. Vì vậy, lần phạm tội này là tái phạm nguy hiểm.

Kết thúc phần xét hỏi, tòa tạm nghỉ và sẽ mở lại vào ngày 19-6 với phần tranh luận.

Vận chuyển trái phép qua biên giới 1.760 tỉ đồng

Đại diện Công ty Sài Gòn Tây Nam cho biết đến thời điểm hiện nay Cục Thuế tỉnh Tây Ninh đã phong tỏa, thu hồi số tiền 41 tỉ đồng. Công ty không còn tiền và không thể hoạt động tiếp…

Theo cáo trạng, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo tạo lập hồ sơ, tài liệu, sử dụng 18 công ty trong nước ký 105 hợp đồng mua hàng của bảy công ty tại nước ngoài và sử dụng 14 công ty trong nước ký hợp đồng bán hàng cho sáu công ty tại nước ngoài. Các hợp đồng mua bán này đều được nâng khống giá trị để từ đó hợp thức hóa dòng tiền từ VN ra nước ngoài và từ nước ngoài về VN.

Tổng số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới là 75,58 triệu USD, tương đương khoảng 1.760 tỉ đồng. Trong đó, vận chuyển từ VN ra nước ngoài là 51,67 triệu USD và vận chuyển từ nước ngoài về VN là 23,9 triệu USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm