Vụ Thủ Đức House: Phạm tội do… thần tượng Trịnh Tiến Dũng

(PLO)- Người giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt hơn 374 tỉ đồng, hợp thức hóa việc chuyển tiền qua biên giới khai không có ý định phạm tội, chỉ là do “tin tưởng, thần tượng Dũng…”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-6, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm 67 bị cáo về 10 tội danh trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) và các đơn vị có liên quan.

Cục Thuế đòi Thủ Đức House trả lại 365 tỉ đồng

Tại tòa, đại diện Cục Thuế TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên buộc Thủ Đức House trả lại hơn 365 tỉ đồng là số tiền bị chiếm đoạt do hành vi hoàn thuế trái pháp luật của các bị cáo gây ra (có tính thêm phần tiền chậm nộp phát sinh).

Trong khi đó, đại diện của Thủ Đức House đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm số tiền nói trên, đồng thời đề nghị trả lại cho Thủ Đức House số tiền này (đang bị tạm giữ trong tài khoản của cơ quan điều tra).

Các bị cáo tại tòa ngày 12-6. Ảnh: MC

Các bị cáo tại tòa ngày 12-6. Ảnh: MC

Vụ án này, HĐXX xác định Cục Thuế TP.HCM là bị hại, còn Thủ Đức House là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khai tại tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Đức (phó trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra số 8 Cục Thuế TP.HCM) thừa nhận có hành vi ký duyệt một văn bản thẩm định hồ sơ hoàn thuế (tháng 7-2018) do bị cáo Trần Thị Túy Nga (công chức phòng Nghiệp vụ dự toán pháp chế Cục Thuế TP.HCM) lập, thống nhất với đề xuất hoàn thuế trái quy định.

Bị cáo Đức cho rằng rất tin tưởng vào chuyên môn nghiệp vụ của bị cáo Nga và không phát hiện dấu hiệu bất thường hay nghi vấn từ hồ sơ mà Nga chuyển qua.

Bị cáo Đức bị xác định làm thất thoát của Nhà nước hơn 22 tỉ đồng và bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Còn bị cáo Võ Quang Lâm (chuyên viên phòng Thanh tra - Kiểm tra số 9 Cục Thuế TP.HCM) cho rằng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc hoàn thuế do hoàn cảnh khách quan.

Bị cáo này bị cáo buộc thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong việc chỉ đạo, phân công công chức nghiên cứu, đề xuất, xây dựng kế hoạch thanh tra, ngay sau khi hoàn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 258 tỉ đồng. Bị cáo Lâm bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

“Vụ án quá kinh khủng, tội không thể không có”

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Lành, giám đốc Công ty An Lành Phát (bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), nhận thức được hành vi sai trái. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng kết luận điều tra không phản ánh đúng thực tế lời khai của mình. “Vụ án quá kinh khủng, tội phải có rồi, không thể không có được…” - bị cáo Lành nói.

Đại diện Cục Thuế TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên buộc Thủ Đức House trả lại hơn 365 tỉ đồng, trong khi Thủ Đức House đề nghị tòa buộc các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm số tiền này…

Bị cáo này bị cáo buộc làm trung gian, đầu mối kết nối giữa các đối tượng thuộc nhóm Trịnh Tiến Dũng với các đối tượng thuộc Thủ Đức House thực hiện việc mua bán linh kiện điện tử để xuất khẩu và hoàn thuế giá trị gia tăng trái pháp luật. Từ đó, Lành hưởng lợi hơn 27,7 tỉ đồng, giúp sức cho Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt hơn 365 tỉ đồng.

Còn bị cáo Lê Thị Diệu Quỳnh (kế toán Công ty Vùng đất máy tính) khai tại tòa rằng từ nhỏ đã được gia đình dạy dỗ “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Bản thân bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không có ý định phạm tội, chỉ là do tin tưởng, thần tượng Trịnh Tiến Dũng. “Thấy ông Dũng rất tốt, không ngờ lại như vậy…” - bị cáo Quỳnh nói.

Quỳnh bị cáo buộc có hành vi quản lý thu chi, cân đối dòng tiền, giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt hơn 374 tỉ đồng thông qua việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho Thủ Đức House và một số công ty khác, hưởng lợi hơn 226 triệu đồng.

Quỳnh còn bị cáo buộc đã quản lý, theo dõi hoạt động chuyển tiền giữa các công ty trong và ngoài nước để hợp thức hóa việc vận chuyển trái pháp luật hơn 1.760 tỉ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Bị cáo bị truy tố về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Trong phiên xử chiều 12-6, có luật sư đề nghị được hỏi bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu cục phó Cục Thuế TP.HCM) nhưng bà này vắng mặt vì lý do sức khỏe

Vận chuyển trái phép qua biên giới 1.760 tỉ đồng

Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo tạo lập hồ sơ, tài liệu, sử dụng 18 công ty trong nước ký 105 hợp đồng mua hàng của bảy công ty tại nước ngoài và sử dụng 14 công ty trong nước ký hợp đồng bán hàng cho sáu công ty tại nước ngoài. Các hợp đồng mua bán này đều được nâng khống giá trị để từ đó hợp thức hóa dòng tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam. Tổng số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới là 75,58 triệu USD, tương đương khoảng 1.760 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm