Vụ tự tử tại Tòa Bình Phước: Công an trả lời gì về khiếu nại?
Ngày 11-12, CQĐT Công an TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã trả lời đơn khiếu nại của bà Lê Thị Tư (vợ ông Lương Hữu Phước) về việc bà yêu cầu thu hồi lại quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Phước.
Không thể giám định được vận tốc xe
Trong quyết định giải quyết khiếu nại dài 7 trang, Công an TP Đồng Xoài cho rằng các vấn đề được nêu trong quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM và những đề nghị của bà Lê Thị Tư nêu trong đơn khiếu nại đã được CQĐT Công an TP Đồng Xoài điều tra làm rõ.
Cụ thể, thứ nhất, kết quả điều tra, khi Lâm Tươi phát hiện xe của ông Lương Hữu Phước ở khoảng cách 50 m là khi xe của ông Phước đang dừng bên lề đường theo chiều đi của ông Phước nên Lâm Tươi vẫn tiếp tục cho xe di chuyển bình thường (lúc này xe của ông Phước chưa chuyển hướng rẽ trái qua đường).
Khi xe của Lâm Tươi chạy đến cách khoảng 5m thì lúc này xe của ông Phước mới chuyển hướng rẽ trái (theo chiều đi của ông Phước) qua đường bất ngờ, do khoảng cách quá gần và bất ngờ nên Lâm Tươi không kịp xử lý dẫn đến tai nạn.
Qua làm việc, Lâm Tươi trình bày thời điểm xảy ra tai nạn Lâm Tươi chạy xe với vận tốc khoảng 40-50km/h và bà Trần Thị Kim Liên (vợ nạn nhân) cũng khai thấy xe Lâm Tươi chạy tốc độ khoảng 40-50km/h.
CQĐT đã trưng cầu Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM, Bộ Công an đề nghị giám định tốc độ mô tô do Lâm Tươi và ông Phước điều khiển tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Kết luận giám định kết luận: Hiện tại chưa có quy trình giám định tốc độ mô tô hai bánh vì vậy không đủ cơ sở để xác định tốc độ của xe khi tham gia giao thông.
CQĐT đã gửi công văn đến Phòng quản lý đô thị TP Đồng Xoài hỏi về tốc độ tối đa cho phép đối với mô tô của đường Nguyễn Huệ tại thời điểm ngày 15-1-2017. Kết quả xác định tại thời điểm trên đường Nguyễn Huệ không gắn biển báo R.420 nên tốc độ tối đa với mô tô là 60km/h.
Từ những kết quả điều tra trên xác định không có căn cứ kết luận Lâm Tươi vi phạm tốc độ tối đa cho phép tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Thứ hai, qua làm việc, bà Trần Thị Kim Liên trình bày chỉ thấy Lâm Tươi quay đầu lại nhìn Trị Tiếp (người ngồi sau xe Lâm Tươi-PV) rồi tiếp tục quay mặt về phía trước điều khiển mô tô chứ không thấy nói chuyện.
Đồng thời, bà Liên thấy ông Phước chở ông Quý bắt đầu băng qua đường sau đó không nhìn nữa mà nhìn về hướng ngã ba Trạm điện thì mới thấy Lâm Tươi và Trị Tiếp chứ không phải cùng một lúc bà Liên nhìn thấy Lâm Tươi quay đầu về sau nói chuyện với Trị Tiếp…
Kết quả thực nghiệm điều tra cũng xác định từ vị trí, khoảng cách ngồi của bà Liên có thể nhìn thấy ông Phước, ông Quý và Lâm Tươi.
CQĐT đã trưng cầu giám định để xác định chiều hướng, vị trí di chuyển của hai xe và điểm xa chạm đầu tiên giữa hai xe.
Lâm Tươi điều khiển xe đi đúng phần chiều đi của mình là phía phần đường bên phải của đường Nguyễn Huệ hướng từ ngã ba Trạm điện vào ngã tư Sóc Miên.
Ông Lương Hữu Phước trước khi nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước. Ảnh: LSCC
Không rõ ông Phước có bật xin nhan hay không
Theo lời khai ông Phước, khi chuyển hướng qua đường ông Phước có bật đèn xi nhan bên trái.
Làm việc với bà Trần Thị Kim Liên và bà Trần Thị Hằng (nhân chứng-PV) trình bày không xác định được ông Phước có bật đèn xi nhan khi sang đường hay không.
Tại biên bản kiểm tra phương tiện ngày 12-5-2017 đối với mô tô 93H8-5674 thể hiện tại thời điểm kiểm tra công tắc để bật đèn tín hiệu (xi nhan) được gắn bên tay lái bên trái vẫn còn nằm ở giữa không bật sang bên phải hay trái.
Ngoài ra không còn tài liệu chứng cứ khác để chứng minh ông Phước có bật đèn xi nhan hay không khi chuyển hướng qua đường.
Từ những kết quả điều tra trên chưa đủ căn cứ để xác định khi sang đường ông Phước có bật đèn xi nhan hay không. Tuy nhiên việc bật đèn xi nhan chỉ là một trong những quy tắc giao thông quy định khi chuyển hướng.
Ngoài ra, khi chuyển hướng qua đường ông Phước phải đảm bảo các quy tắc giao thông khác là chú ý quan sát và nhường đường cho xe đi ngược chiều nhưng ông Phước không thực hiện các quy tắc này nên đã vi phạm vào khoản 2, Điều 15 Luật giao thông đường bộ.
Bà Liên và bà Hằng trình bày khi ông Phước chở ông Quý bắt đầu băng qua đường thì thấy ông Quý ngồi sau, hai tay vịn lên vai ông Phước chứ không thấy ghì tay. Sau đó bà Liên và bà Hằng không nhìn nữa nên không rõ ông Quý có chồm người lên phía trước ghì tay ông Phước hay không.
Qua làm việc Lâm Tươi trình bày tại thời điểm xảy ra tai nạn thì xe ông Phước vẫn đang di chuyển chứ không dừng lại vì bị ông Quý chồm người lên ghì tay như lời khai của ông Phước.
Ngoài ra không còn tài liệu chứng cứ khác, do đó chưa đủ căn cứ để xác định khi chuyển hướng băng qua đường ông Quý đã chồm người lên phía trước ghì tay ông Phước như lời khai của ông Phước.
Hiện trường nơi ông Lương Hữu Phước tự tử. Ảnh: CTV
CQĐT vẫn khẳng định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn giao thông là do ông Phước chở ông Quý băng qua đường không quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều.
Lâm Tươi điều khiển xe chạy trên đường đi đúng phần đường quy định là chiều đi bên phải của đường Nguyễn Huệ và không có căn cứ xác định Lâm Tươi vi phạm tốc độ tối đa cho phép.
Khi còn cách xe ông Phước khoảng 5m thì do ông Phước đột ngột cho xe chuyển hướng băng qua đường làm cho Lâm Tươi bất ngờ không xử lý kịp nên đã đụng vào xe ông Phước dẫn đến tai nạn. Đây là sự kiện bất ngờ, Lâm Tươi không có lỗi trong vụ tai nạn giao thông này nên không đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lâm Tươi.
Từ đó, CQĐT bác đơn khiếu nại của bà Lê Thị Tư, giữ nguyên toàn bộ quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Lương Hữu Phước.
Sau khi bị cáo tự tử, Tòa Cấp cao hủy án
Như PLO đã phản ánh, trưa 15-1-2017, ông Phước chở ông Trần Hữu Quý đi hát karaoke. Đi một đoạn, thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên ông Phước chở về lấy mũ bảo hiểm. Khi ông Phước điều khiển xe rẽ trái sang đường thì bị xe ông Lâm Tươi tông vào làm ông Quý tử vong.
Ngày 29-5, tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước bác kháng cáo kêu oan, y án sơ thẩm của TAND TP Đồng Xoài, phạt ông Phước ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Chiều cùng ngày, ông Phước đến tòa này nhảy từ lầu hai xuống đất và tử vong.
Hai tuần sau, ngày 12-6, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu CQĐT Công an tỉnh Bình Phước thụ lý, điều tra lại.
Ngày 2-12, CQĐT TP Đồng Xoài đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Phước với lý do người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.
(PLO)- Quyết định giám đốc thẩm kiến nghị giao hồ sơ cho CQĐT Công an tỉnh Bình Phước điều tra lại nhưng cuối cùng CQĐT Công an TP Đồng Xoài thực hiện và đình chỉ bị can đối với ông Lương Hữu Phước.