Sở sẽ trực tiếp làm việc với các bên liên quan đến hồ sơ Việt Tín
VPCC Việt Tín được thành lập ngày 21-7-2008 tại 42 Tô Hiến Thành-Hai Bà Trưng-Hà Nội với một công chứng viên là Nguyễn Minh Hải. Chỉ trong một năm (từ ngày 1-1-2009 đến ngày 1-1-2010), VPCC Việt Tín đã công chứng được lượng hồ sơ rất lớn (5.027 hồ sơ), nhiều nhất là công chứng hợp đồng ủy quyên (1.767 hợp đồng), với tổng số tiền thu không nhỏ, hơn một tỷ đồng. Ngày 20-8-2009, Sở Tư pháp Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra liên ngành đột xuất về tổ chức hoạt động của VPCC Việt Tín. Và trong bản báo cáo kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động của một số VPCC trên địa bàn Hà Nội cuối năm 2009 của cơ quan chức năng, VPCC Việt Tín được đánh giá là “kê khai thuế chưa đầy đủ, số lượng việc thực tế theo báo cáo chưa khớp với bảng kê khai thuế”.
Trong bản báo cáo của VPCC Thăng Long gửi Sở TP Hà Nội báo cáo về tình trạng làm giả văn bản công chứng là “qua quan sát bằng mắt thường các Hợp đồng ủy quyền nói trên, chúng tôi khẳng định chữ ký của Công chứng viên và con dấu của VPCC Thăng Long trong các hợp đồng đó là không phải …”. Trên thực tế, khi mà công nghệ làm giả con dấu, chữ ký ngày càng tinh vi thì trách nhiệm cũng như độ nhạy cảm nghề nghiệp của các công chứng viên là hết sức cần thiết. Song với vụ việc của VPCC Việt Tín, số hồ sơ bị đặt nghi vấn không chỉ dừng lại ở con số bốn hồ sơ như VPCC Thăng Long gửi Sở Tư pháp mà được chính các nhân viên VPCC Việt Tín xác nhận là “nhiều lắm”.
Ông Phạm Thanh Cao cho biết, tại buổi làm việc của cảnh sát điều tra gần đây nhất để tìm kiếm các giấy tờ nhân thân của công chứng viên Nguyễn Minh Hải, song không tìm thấy. Hiện cơ quan điều tra chỉ lưu giữ hai hồ sơ và con dấu của VPCC Việt Tín để tiếp tục tìm hiểu, xác minh bản chất vụ việc.
Mới đây, bà Phạm Thị Mai Phương - vợ của công chứng viên Nguyễn Minh Hải đã có đơn gửi Sở Tư pháp Hà Nội yêu cầu được dỡ niêm phong lấy lại số tiền trong két của VPCC Việt Tín để chi trả lương cho nhân viên, tiền thuê văn phòng… Theo đơn của bà Mai, vì VPCC Việt Tín của chồng bà hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và bà là người thừa kế duy nhất khối tài sản của chồng. Tuy nhiên, Sở Tư pháp Hà Nội chưa có bất cứ ý kiến nào về vấn đề này.
Cũng theo ông Phạm Thanh Cao, những văn bản, hợp đồng sai sót về mặt kỹ thuật sẽ được xác minh, thẩm tra và xử lý kịp thời để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Đại diện Sở Tư pháp sẽ trực tiếp làm việc đối với các cơ quan, ủy ban các quận, huyện còn e dè, không muốn xử lý các vấn đề, hồ sơ liên quan đến VPCC Việt Tín.
Nên hay không sự tồn tại của các VPCC một công chứng viên?
Một vấn đề đặt ra sau vụ việc này là có nên duy trì loại hình VPCC chỉ có một công chứng viên duy nhất theo đúng Luật Công chứng không? Trong bản báo cáo sơ kết hai năm thực hiện Luật Công chứng của Sở Tư pháp Hà Nội, Sở cũng đã đề nghị, hướng dẫn các VPCC bố sung công chứng viên (đặc biệt là các VPCC do một công chứng viên thành lập), nhằm đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng công việc. Một VPCC chỉ có duy nhất một công chứng viên nghĩa là mọi giấy tờ, hồ sơ, văn bản đều chờ chữ ký của một người duy nhất. Nhiều người dân cũng phản ánh về sự chờ đợi dù ngắn hay dài ngày tại những VPCC như thế vì công việc của họ dễ bị đình lại chỉ vì ông công chứng viên nghỉ, đi vắng…
Vụ việc của VPCC Việt Tín là “cú phát nổ” cho thấy sự bất cập của loại hình VPCC chỉ có một công chứng viên. Nếu ở các VPCC hợp danh khác, khi một công chứng viên gặp sự cố, công chứng viên khác sẽ tiếp tục đảm nhận, không để tình trạng chẳng biết “bới” đâu ra chữ ký như VPCC Việt Tín hiện nay. Như đã khẳng định từ trước, các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động công chứng sẽ luôn cố gắng bảo đảm một cách tốt nhất cho quyền lợi của người dân. Theo ông Cao, hiện trên địa bàn Hà Nội có 15 VPCC tồn tại dưới loại hình này.
Hiện Vụ Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) cũng đang trong giai đoạn soạn thảo Thông tư để hướng dẫn Nghị định số 02 về hoạt động này, để các tổ chức hành nghề công chứng có được hành lang pháp lý an toàn và cụ thể hơn cho hoạt động của mình. Dự thảo này được xây dựng để khắc phục những hạn chế trong tổ chức và hoạt động công chứng trước khi sửa đổi Luật Công chứng. Hiện tiêu chuẩn bổ nhiệm theo Luật Công chứng bị đánh giá “quá dễ dãi” nên cần được quy định cụ thể hơn, “xiết” tiêu chuẩn về đạo đức, nghiệp vụ, lưu ý đến tiêu chuẩn “đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ”, tránh cho người dân phải gánh hậu quả. Đồng thời, đề cao sự cam kết về tính trung thực của lý lịch, hồ sơ của người được bổ nhiệm công chứng viên, nếu sau phát hiện sai phạm thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Ngày 26-4 tới đây, Đoàn thanh tra của Bộ Tư pháp sẽ phối hợp cùng Phòng Bổ trợ Tư pháp của Sở Tư pháp Hà Nội cùng các đại diện các cơ quan chức năng như công an, thuế, lao động thương binh - xã hội sẽ tiến hành thanh tra về tổ chức hoạt động của các VPCC trên địa bàn Hà Nội.
Theo Hương Nguyên (NDĐT)