Bởi Luật Bảo vệ và phát triển rừng trước đây hay Luật Lâm nghiệp mới được Quốc hội ban hành năm ngoái đều nghiêm cấm: “Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật” và “xây dựng, đào, bới… làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng”.
Chúng ta đang đẩy mạnh nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì không thể chấp nhận được những điều luật như trên bị vi phạm. Làm sao có thể để những biệt thự của những đại gia hay nhà của ai đó, dù là người của công chúng phá nát hệ thống pháp luật được coi là rường cột kia?
Vấn đề đặt ra là người dân xây dựng sai phép, thậm chí chỉ một đống cát, đống gạch đổ ở cổng thì lập tức bị chính quyền phát hiện, đến lập biên bản, xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ... Vậy mà những biệt thự nguy nga kia tồn tại sừng sững mà sao bấy lâu chính quyền địa phương không phát hiện ra.
Biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh. Ảnh: VNN
Hiến pháp 2013 đã ghi nhận: Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
Hiến pháp là thế, Luật Lâm nghiệp là thế! Ấy vậy mà tình trạng xẻ thịt rừng Sóc Sơn để xây biệt thự cứ diễn ra như ở nơi “vô pháp vô thiên”. Dĩ nhiên, cũng cần ghi nhận rằng Sở TN&MT TP Hà Nội năm 2013 đã thanh tra và kết luận tại xã Minh Phú, ngoài biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh, gần 10 công trình xây kiên cố trên diện tích đất rừng, có công trình hàng ngàn mét vuông.
cũng vẫn theo sở này, trước năm 2005 UBND huyện Sóc Sơn đã cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất ở cho 229 hộ gia đình, cá nhân trên đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong đó 123 trường hợp thuộc diện tích đất rừng do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Sóc Sơn quản lý. Đến năm 2013, huyện này chỉ đạo Phòng TN&MT hiệu chỉnh 32/229 GCN đã cấp vượt hạn mức đất ở nói trên. Sở cho rằng việc hiệu chỉnh của huyện còn chậm, chưa triệt để.
cũng từ kết luận này, sự thật đã lộ ra rằng những sai phạm tại đây đã diễn ra trong một thời gian dài và có tính chất hệ thống. Nó không những đã “vô hiệu hóa” chính quyền địa phương, mà còn làm tổn thương tới tính nghiêm minh của pháp luật. Đương nhiên, khi tính nghiêm minh của pháp luật bị phương hại thì lại phải nhìn về trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ thể mà hiến pháp đã giao phải bảo đảm hiến pháp và pháp luật được thi hành.
Mặt khác, cần nhớ rằng hàng chục năm trước đây, ngay cả các cấp có thẩm quyền ở trung ương cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này theo đúng quy định. Thế nhưng khó hiểu là việc xâm hại đất rừng, rừng phòng hộ ở Sóc Sơn vẫn xảy ra và thách thức pháp luật cũng như hệ thống công quyền.
Điều này trái ngược khi cả hệ thống chính trị kêu gọi người dân phải có ý thức tuân thủ pháp luật. Trong khi đó, hiến pháp cũng quy định chính quyền phải tuân thủ pháp luật trước tiên. Vụ việc xẻ thịt rừng Sóc Sơn trái pháp luật diễn ra ngay trước mắt chính quyền nên người ta có quyền đặt câu hỏi chính quyền đã tuân thủ pháp luật hay chưa?
Thủ tướng Chính phủ trong một số kỳ họp Quốc hội trước đây từng phát biểu: “Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu”. Thực tế cho thấy “khâu yếu” này do các sai phạm tương tự như ở Sóc Sơn gây ra. Nếu như sự việc tiếp tục không được xử lý tới nơi tới chốn thì “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” sẽ chỉ là khẩu hiệu.