Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, đêm 25-6-2013, Kim Tử Long đến xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn) hát đám cưới. Sau khi ăn cháo khuya, nhiều người (trong đó có Kim Tử Long) xuống sà lan neo trước nhà để đánh tài xỉu. Đến hơn 2 giờ sáng, công an bao vây, bắt hơn 20 người tham gia đánh bạc. Vật chứng thu giữ trên 443,5 triệu đồng, trong đó tiền ở trên người Kim Tử Long hơn 78 triệu đồng, trong túi xách hơn 257 triệu đồng và 1.345 USD. Kim Tử Long khai nhận chỉ tham gia chơi ba ván từ 200.000 đến 500.000 đồng. Việc đánh bạc là do bị cáo xuống sà lan tìm tài xế, nhiều người hâm mộ đề nghị bị cáo góp vui, tiền bị cáo mang theo là thù lao đi diễn và tiền vay ngân hàng để mua nhà…
Theo VKSND tỉnh Vĩnh Long, cấp sơ thẩm xử các bị cáo về tội đánh bạc là đúng. Với Kim Tử Long, tòa sơ thẩm áp dụng phạt tiền 30 triệu đồng là tương xứng với hành vi vi phạm. Nhưng trong phần quyết định hình phạt đối với bị cáo, tòa lại áp dụng thêm Điều 54 BLHS để tuyên miễn hình phạt tù là sai. Quyết định như vậy là trái ngược nhau vì vừa tuyên bị cáo phải chịu hình phạt, vừa tuyên bị cáo được miễn hình phạt. Do đó, viện đề nghị tòa phúc thẩm cần sửa án để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được chính xác.
Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), kháng nghị của VKSND tỉnh là kịp thời vì rõ ràng tòa sơ thẩm đã quyết định một bản án sai luật. Bởi trong quy định hình phạt ở tội đánh bạc thì hình phạt tiền cũng là hình phạt chính, khi đã áp dụng hình phạt này là hình phạt chính thì không thể tuyên thêm hình phạt khác là miễn hình phạt tù. Có thể trong phần lập luận thẩm phán bị nhầm nhưng nếu phần quyết định bản án vẫn áp dụng Điều 54 tuyên miễn hình phạt là thể hiện sự mâu thuẫn nhau, vênh nhau trong áp dụng pháp luật. Thẩm phán Hùng cho rằng đây là một vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, cấp phúc thẩm khó có thể khắc phục bằng cách sửa án mà khả năng phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
GIA TUỆ - T.TÙNG