Vũng Tàu: Tiếp tục làm dự án Thủy cung ở Bãi Trước từ tháng 9-2024

(PLO)- Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu cam kết đảm bảo tiến độ thi công, nguồn vốn thực hiện dự án Thủy cung Hòn Ngưu ở khu vực biển Bãi Trước và dự kiến đưa vào hoạt động phục vụ du khách vào năm 2028.

Ngày 17-7, công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu tổ chức họp báo về việc tiếp tục triển khai thi công hạng mục đê chắn sóng và san lấp mặt bằng thuộc dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu, TP Vũng Tàu (Dự án Thủy cung) sau gần 5 năm tạm dừng dự án.

Khởi động lại dự án sau gần 5 năm tạm dừng

Theo công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu, dự kiến từ tháng 9-2024 dự án sẽ thi công trở lại theo giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng đã cấp cho chủ đầu tư vào tháng 8-2019.

Hiện nay, công ty đang trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị trước khi thi công trở lại. Từ đây đến đó, công ty sẽ làm việc với cơ quan chức năng về thời gian thi công, treo bảng thông báo và các văn bản cần thiết của công trình để người dân được biết, hiểu về dự án.

Ông Đậu Thế Anh, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu thông tin về việc tiếp tục triển khai dự án thủy cung sau gần 5 năm tạm dừng. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Bên cạnh đó xin phép cơ quan chức năng kết nối đường thi công, làm hàng rào che chắn, phân cách giữa công trường với đường Trần Phú để tránh ồn ào, bụi bặm và đảm bảo an toàn cho người dân, lắp đặt phao tiêu bảo đảm an toàn hàng hải, di dời bè hải sản tự phát.…

Cũng theo công ty, dự kiến tháng 6-2026 sau khi làm việc với các đối tác sẽ tiến hành xin giấy phép xây dựng để thi công hạng mục dự án thủy cung. Dự kiến việc thi công hoàn thành nghiệm thu đưa vào hoạt động, mở cửa đón khách từ tháng 10-2028. Nếu mọi việc thuận lợi, công ty có thể rút ngắn thời gian hoàn thành trước mốc thời gian trên.

Ông Đậu Thế Anh, Tổng giám đốc của công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu cho biết thêm, năm 2019 sau khi có giấy phép xây dựng, hơn 1 tháng sau chủ đầu tư đã triển khai thi công. Tuy nhiên, sau đó hơn 1 tháng tỉnh yêu cầu tạm dừng để rà soát nên công ty đã chấp hành.

Mặt bằng san lấp và đê lấn biển của dự án bị sụp lở nhiều sau gần 5 năm để không. Ảnh: TK

Tại thời điểm đó, mặt bằng san lấp được khoảng 2.000 m2, con đê lấn biển đã thực hiện dài khoảng 170 m. Hiện nay, sau gần 5 năm ngừng thi công, đê kè lấn biển đã bị sóng đánh biến dạng, sụp lở, nhiều tảng đá lớn bị trôi. Muốn triển khai lại công ty sẽ phải thêm chi phí để lặn, đưa đá to gia cố đê…

“Thời gian gần 5 năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn tâm huyết và quyết tâm thực hiện dự án với mong muốn tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, đẳng cấp cho TP Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Công ty cũng nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của tỉnh và các sở, ban ngành, TP Vũng Tàu để tháo gỡ, xử lý những vấn đề còn vướng mắc, lăn tăn về môi trường, thi công, nguồn vốn”- ông Đậu Thế Anh chia sẻ.

Quan tâm về nguồn vốn, đánh giá tác động môi trường

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự cũng bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ quyết định của tỉnh, chủ đầu tư triển khai thi công lại dự án Thủy cung, sớm tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo cho TP Vũng Tàu và tỉnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý một số vấn đề như chủ đầu tư cần cam kết đảm bảo về nguồn vốn, tiến độ triển khai, môi trường, biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công, đưa Thủy cung vào hoạt động…

Tiến sĩ Võ Kim Cương, Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TK

Một số nhà báo, phóng viên cũng đặt các câu hỏi mà trong 5 năm qua dư luận người dân, cơ quan báo chí quan tâm như nguồn vốn làm dự án, liệu chủ đầu tư có đảm bảo, ký quỹ theo quy định pháp luật, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án do đơn vị nào lập; dự án có làm biến đổi dòng chảy của khu vực biển Bãi Trước, TP Vũng Tàu hay không.

Trả lời vấn đề này, ông Đậu Thế Anh đưa ra một số văn bản, tài liệu khẳng định ĐTM của dự án đã được các chuyên gia dựa trên cơ sở khoa học khảo sát, đánh giá và tỉnh duyệt thông qua.

Phối cảnh năm 2019 của dự án Thủy cung Hòn Ngưu ở Vũng Tàu.

Trong quá trình rà soát dự án, công ty cũng đã có văn bản thể hiện năng lực của nhà đầu tư được Sở Tài chính xác nhận.

Bên cạnh đó, việc ký quỹ đầu tư công ty thực hiện theo Luật Đầu tư. “Khi quyết tâm triển khai lại dự án, công ty cũng có kế hoạch về bố trí vốn đảm bảo đầu tư dự án (tổng dự án khoảng 50 triệu USD, riêng hạng mục xây dựng Thủy cung khoảng 20 triệu USD); làm việc lại với đối tác nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín về làm Thủy cung trên thế giới để thiết kế, thi công dự án…”- ông Đậu Thế Anh, khẳng định.

Như PLO thông tin, cuối 2019, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có văn bản yêu cầu công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu tạm dừng thi công hạng mục đê chắn sóng và san lấp mặt bằng thuộc dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu, TP Vũng Tàu để rà soát.

Tháng 3-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận liên quan đến dự án. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương cho phép tiếp tục triển khai dự án. Trong đó, qua rà soát đánh giá, báo cáo ĐTM được các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường khảo sát, xem xét toàn diện, khách quan đủ cơ sở để khẳng định việc triển khai dự án ảnh hưởng không đáng kể đến dòng chảy và môi trường biển tại khu vực.

Dự án có vị trí phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhà đầu tư có cam kết về năng lực tài chính, quyết tâm triển khai dự án. Việc dự án thủy cung đưa vào hoạt động sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, đặc trưng của TP Vũng Tàu và tỉnh, góp phần thu hút, giữ chân du khách.

Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp cận thông tin và thể hiện quan điểm ủng hộ phát triển dự án này. Dự án cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, thẩm định và cấp giấy phép xây dựng.

Việc chấp thuận chủ cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án khẳng định quan điểm nhất quán của tỉnh trong thu hút đầu tư, có tính kế thừa, phát triển và đúng quy định, tạo niềm tin, sự an tâm cho nhà đầu tư khi làm ăn, kinh doanh tại tỉnh, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh…

Tuy nhiên, chủ đầu tư phải cam kết tiến độ thực hiện dự án, ký quỹ đầu tư, thể hiện năng lực, giải pháp triển khai, bảo đảm môi trường. Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng triển khai thì UBND tỉnh thu hồi, giao cho nhà đầu tư mới để tiếp tục thực hiện dự án; không được phép chuyển đổi công năng, điều chỉnh quy hoạch khu đất này sang mục đích khác…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới